(LSVN) - Chiều 21/12, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai đã tuyên án bị cáo Nguyễn Hồng Lam (nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, Gia Lai) và các thuộc cấp về tội “Tham ô tài sản”.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Hồng Lam bị tuyên phạt mức án 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, Nguyễn Đông Dương 07 năm tù cùng tội danh với bị cáo Lam, Nguyễn Xuân Tứ 10 năm tù về hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Theo cáo trạng, vào năm 2005, ông Nguyễn Hồng Lam (SN 1972, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ) được bổ nhiệm là Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đức Cơ. Năm 2011, ông Nguyễn Xuân Tứ (SN 1979 là Phó Trưởng phòng, ông Nguyễn Đông Dương (SN 1984) cùng trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ là kế toán của Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện.
Vào năm 2007, ông Lam được giao làm chủ tài khoản, ông Tứ là kế toán của Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện. Đến tháng 10/2010, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện đã ngừng hoạt động, không được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án xây dựng mở rộng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ mà chỉ được thực hiện các dự án trước đó chưa làm xong. Đến năm 2012, UBND huyện Đức Cơ giao cho Phòng Tài chính-Kế hoạch thực hiện dự án mua sắm thiết bị cho Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ huyện này. Trong đó, có nội dung đi công tác đến tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng để xem chuông đồng, hạc đồng.
Thời điểm này, kinh phí hoạt động thường xuyên của phòng đã không còn. Để phục vụ cho chuyến công tác này, cũng như mục đích tiêu xài của các cá nhân từ tiền ngân sách Nhà nước, các đối tượng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để tạm ứng tổng số tiền gần 525 triệu đồng. Số tiền này, được rút ra từ ngân sách nhà nước thông qua Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện (thời điểm này, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện đã ngừng hoạt động).
Để che giấu hành vi phạm tội của mình, các bị cáo đã lập thủ tục hoàn ứng trái quy định bằng cách cấp ngân sách bổ sung cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện để lập thủ tục hoàn ứng. Nhưng vì không có chứng từ kèm theo nên không quyết toán được và hành vi phạm tội bị phát hiện.
Đối với Tứ, khi đoàn Thanh tra tỉnh yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến việc tạm ứng trái quy định thì Tứ đã chỉ đạo cho L.X.N đánh máy lại bản photo QĐ số 42 sau đó bị can này nhờ ông H.C ký nháy. Chưa dừng lại ở đó, Tứ còn chỉ đạo S.H photo chữ ký của ông Võ Thanh Hùng (Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thời điểm đó) rồi điền số, ngày, tháng và đóng dấu của UBND huyện Đức Cơ vào.
Xuyên suốt phiên tòa, bị cáo Lam đều cho rằng bản thân không phạm tội “Tham ô tài sản”, trong lúc hai bị cáo còn lại thì thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Mức án trên cũng là lời chuông cảnh tỉnh cho các cán bộ khác, đang có ý định làm trái quy định của pháp luật.
Tội "Tham ô tài sản" được quy định rõ tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 như sau:
Điều 353. Tội tham ô tài sản 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này. |
THANH HÀ