Ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam.
Nhà xuất bản gặp khó vì “bão giá”
Ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (gọi tắt là VEPIC) cho rằng, giá SGK mới cao hơn SGK cũ là do 5 nguyên nhân chính:
Bộ SGK mới theo Chương trình GDPT 2018 do các NXB, doanh nghiệp bỏ vốn tự có hoặc vốn vay ngân hàng để thực hiện tất cả các khâu từ tổ chức biên soạn, dạy thực nghiệm, mua vật liệu đầu vào, trả tiền nhuận bút, quảng bá, tập huấn giáo viên; không được Nhà nước cấp ngân sách chi trả cho một số khâu như trước đây.
Giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí quảng cáo, tập huấn giáo viên,… đều cao hơn trước; đặc biệt là giá giấy tăng cao. Ngay cả giá giấy Bãi Bằng do Việt Nam sản xuất, hiện nay cũng cao hơn 25% so với cách đây 05 năm.
Thực tế là SGK mới có khổ giấy lớn hơn 1,3 lần so với SGK cũ; in 4 màu; chất lượng giấy in tốt hơn. So với giá các loại sách khác trên thị trường thì SGK vẫn có giá thấp hơn. Ví dụ, bộ SGK lớp 3 gồm 12 quyển, có giá là 220.000 đồng. Nếu chia trung bình, mỗi quyển SGK có giá xấp xỉ 18.000 đồng. Trong khi đó, một quyển truyện có độ dày, giấy in, hình minh họa, màu tương tự với sản lượng hơn 100.000 bản trên thị trường cũng có giá vào khoảng 90.000 đến 100.000 đồng.
So với giá SGK các nước, một cuốn SGK in 4 màu, số trang tương tự thì giá cũng vào khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng (đối với một số nước trong khối ASEAN) và từ 200.000 đến 300.000 đồng (như Nhật Bản, Hàn Quốc). Ví dụ SGK Toán của Singapore giá vào khoảng 250.000 đồng; SGK Đạo Đức và Khoa học tự nhiên của Hàn Quốc, Nhật Bản có giá từ 280.000 đến 300.000 đồng.
Các bộ SGK mới đều có SGK phiên bản điện tử miễn phí kèm theo. Hiệu quả của SGK điện tử rất lớn nhưng chi phí cũng lớn (ví dụ, chỉ để làm một bài tập tương tác hay một thí nghiệm đã phải chi nhiều triệu đồng; làm một video kể chuyện – tương đương một bộ phim hoạt hình – cũng phải chi hàng chục triệu đồng), nên nếu giá SGK tính đúng, tính đủ phải bao gồm cả chi phí làm SGK điện tử.
Do có nhiều đơn vị cùng biên soạn, xuất bản, phát hành SGK nên thị trường của mỗi đơn vị hẹp hơn, sản lượng của mỗi đầu sách giảm đi so với thời kỳ chỉ có một bộ SGK của một NXB, góp phần làm chi phí tăng lên theo đúng phân tích về cơ sở hình thành giá: Số lượng phát hành một đầu sách càng cao, giá thành càng hạ và ngược lại.
Chính vì lẽ đó, ông Ngô Trần Ái cho rằng, cơ quan Nhà nước định giá SGK là một sự thay đổi lớn về chính sách, rất cần cân nhắc, vì SGK không thuộc loại “hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước” như quy định tại Điều 19, Luật Giá.
Khi ban hành chính sách XHH việc biên soạn SGK, Nghị quyết số 88 của Quốc hội không có quy định về việc các cơ quan Nhà nước định giá SGK XHH. Thực hiện Nghị quyết 88, từ năm 2020, các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đã tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành SGK. Tới nay, Nhà nước lại thay đổi chính sách thì điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp và việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, giá SGK không phải do các doanh nghiệp tự định đoạt mà đều phải kê khai các yếu tố cấu thành để Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính duyệt theo Nghị định số 177 của Chính phủ.Trên thực tế, giá SGK không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của đại bộ phận các gia đình, nhất là so sánh với các chi phí khác. Để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, theo khoản 10, Điều 20, Nghị định 81/2021 ngày 27/8/2021 của Chính phủ, Nhà nước đã cấp 150.000 đ/tháng x 9 tháng/năm cho học sinh thuộc hộ nghèo để mua sách vở và đồ dùng học tập. Tính ra, mỗi năm học, học sinh nghèo được cấp 1.350.000 đồng, tương đương giá từ 04 đến 07 bộ SGK, tùy cấp học.
Thực tiễn lựa chọn SGK ở các tỉnh, thành cho thấy giá SGK chỉ là một trong những yếu tố tham khảo, tiêu chí quan trọng là chọn bộ SGK có chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội - văn hoá địa phương và phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo,…
Khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực của xã hội
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam.
Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam. Đầu tiên, nói về chuyển đổi cơ chế quản lý sản xuất SGK hiện nay ông Nguyễn Tiến Thoả cho rằng đó là những quyết sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của phát triển.
So sánh với giai đoạn độc quyền chuyên gia cho biết: “Trước kia để thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội, cơ chế quản lý kinh tế thì SGK được xếp vào loại hàng hóa thuộc lĩnh vực độc quyền. Để đảm bảo, Nhà nước sản xuất kinh doanh và giao cho duy nhất Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam quyền sản xuất, phát hành SGK cung ứng ra thị trường theo giá do Nhà nước quy định”.
Cơ chế độc quyền ấy tuy đã đưa lại những tác dụng tích cực nhất định trong việc cung ứng SGK đáp ứng nhu cầu của thị trường đất nước trong giai đoạn trước đó. “Nhưng việc được vận hành trong một thời gian khá dài, không được thay đổi dần đã bộc lộ những khiếm khuyết, thậm chí gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội và nó đã trở nên lỗi thời không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội vì vậy đòi hỏi phải có sự thay đổi”, ông Thoả bày tỏ. Khó tránh chênh lệch giá trong bước đầu chuyển đổi
Đến nay, chúng ta khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, thực hiện một chương trình, nhiều SGK được coi mang tính đột phá. Theo chuyên gia, quyết định này chính là chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế cạnh tranh nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực của xã hội có hiệu quả.
Trước kiến nghị cho rằng Dự thảo Luật Giá sửa đổi nên đưa mặt hàng SGK vào danh mục Nhà nước định giá, ông Thoả phân tích: “Nếu đã chuyển đổi cơ chế sản xuất phát hành SGK từ độc quyền sang xã hội hóa, đi liền với nó là đổi mới cơ chế quản lý giá từ cơ chế độc quyền sang giá của hình thái thị trường cạnh tranh thì chúng ta cần phải có một cơ chế giá phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường”.
Ở đây nguyên tắc đó là cơ chế độc quyền thì Nhà nước cần quyết định giá là đúng để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp để ấn định giá độc quyền. Nhưng nếu là cơ chế cạnh tranh thì giá hàng hóa phải là giá cạnh tranh do các nhà cạnh tranh quyết định.
“Đối chiếu với nguyên tắc đó vào việc sản xuất SGK chúng ta thấy hiện nay việc sản xuất SGK đã chuyển sang cơ chế có cạnh tranh thì Nhà nước không nên can thiệp trực tiếp bằng việc quy định giá mà để thị trường quyết định mức giá”, ông Thoả nêu rõ quan điểm.
Trước câu hỏi vậy đâu là giải pháp để đôi bên cùng có lợi, Nhà nước có nên là cán cân trong câu chuyện này? ông Nguyễn Tiến Thoả cho rằng giá SGK không chỉ ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới áp dụng cơ chế giá thị trường.
Ở đây ông nêu một vài ví dụ: “Tùy theo điều kiện của mình mà mỗi nước áp dụng các biện pháp khác nhau, cụ thể: Có nước quy định 'vòng đời' thay đổi sách và sử dụng sách – tức là xem xét 04 - 05 năm mới thay đổi SGK một lần; có nước thì thực hiện chinh sách cho vay, cho thuê sách, phát sách miễn phí”. Từ những kinh nghiệm đó, chúng ta có thể nghiên cứu chọn lọc biện pháp để áp dụng phù hợp với điệu kiện Việt Nam.
Nhưng rất cần lưu ý thực hiện theo hướng hỗ trợ ngoài giá SGK cho các đối tượng sử dụng SGK, giúp họ thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không bao cấp, bù giá, bù lỗ qua giá cho việc sản xuất, phát hành SGK – không thực hiện chính sách an sinh xã hội trong giá.
Nói kỹ hơn, chuyên gia cho biết: “Giá SGK vẫn phải thực hiện chính sách xã hội hóa, có cạnh tranh, bảo đảm để các nhà xuất bản SGK được thị trường thanh toán theo giá tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ theo tín hiệu thị trường mà họ đã tự bỏ nguồn lực của mình để đầu tư.
Giải pháp này nhằm khuyến khích thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách Nhà nước và để sản xuất, cung ứng SGK được tiến hành bình thường”.
Ngoài ra, cũng không bao cấp tràn lan cho tất cả các đối tượng sử dụng sách trong xã hội mà cần áp dụng các biện pháp điều tiết mức giá thị trường hợp lý, gắn với chính sách hỗ trợ kinh phí trực tiếp, có trọng tâm, trọng điểm để đối tượng được hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội có tiền mua SGK phục vụ học tập.
Tại Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng SGK GDPT được tổ chức ngày 29/9/2022 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng đây là bài toán vừa mới, vừa khó, chúng ta chưa có tiền lệ khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, đồng thời nhấn mạnh dù SGK không còn là pháp lệnh như trước nhưng vẫn phải là “khuôn vàng thước ngọc”. Do đó, SGK khi được biên soạn, thẩm định và phát hành đến học sinh phải bảo đảm chất lượng, chuẩn mực, giá cả hợp lý. “Chúng ta khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số 1”, ông Độ nhấn mạnh. Theo ông, khi đặt mục tiêu chất lượng là số 1, không để chậm và thiếu SGK thì cần chú ý đến tất cả các khâu: Làm bản mẫu, thẩm định, lựa chọn và phát hành. |
PV