Ảnh minh họa.
Theo Công văn này, yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng III được áp dụng đối với các nhóm giáo viên sau:
- Giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021;
- Giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới;
- Giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới;
- Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021.
Những trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên thì chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III.
Cũng theo Công văn này, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp có giá trị thay thế trong trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thay đổi chức danh nghề nghiệp ở cùng hạng.
Đặc biệt, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng III theo các Thông tư liên tịch trước đây được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng tương ứng theo các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định cách xếp lương đối với viên chức là giáo viên mầm non; Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định cách xếp lương đối với viên chức là giáo viên tiểu học; Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định cách xếp lương đối với viên chức là giáo viên trung học cơ sở; Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định cách xếp lương đối với viên chức là giáo viên trung học phổ thông công lập.
Do đó, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này, đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.
LINH CHI