Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Cách mạng tháng Tám thành công, Trung ương đã cử đồng chí Lê Đức Thọ đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm (nay là Phú Thượng, Tây Hồ). Sau đó, Bác về ở tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội (nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại ngôi nhà này, trong những ngày cuối tháng 8/1945, Người đã dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình thay mặt cho toàn thể Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc", khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước "của dân, do dân và vì dân". Hơn thế nữa, Tuyên ngôn Độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.
Tuyên ngôn Độc lập còn là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Tuyên ngôn Độc lập cũng là áng văn chính luận giàu chất trí tuệ, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu giá trị nhân bản. Không khô khan, lý trí mà giàu cảm hứng, không bi lụy, cảm thương, mà có giọng điệu hùng tráng quyết đoán, uyển chuyển, thuyết phục.
Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776) và nhắc đến bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của nước Pháp (1791). Không chỉ dừng lại ở đó mà Người đã phát triển, nâng lên cái ý cốt lõi, nguyên tắc cơ bản của hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ.
Bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ có đoạn: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ quyền cá nhân mỗi con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng, nêu quyền của dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và Người đã nắm chắc mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc. Dân tộc không độc lập thì cũng không có quyền con người, trong những nước thuộc địa thì điều này đã quá rõ ràng. Và nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên đã được xác nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và trong Tuyên ngôn về các quyền con người được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1948. Sự đóng góp của bản Tuyên ngôn Độc lập 02/9/1945 của Việt Nam vào lý luận quyền con người gắn với quyền dân tộc là rất quan trọng.
Trên nền tảng và tiền đề đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chính cuộc cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã giành được vào tháng Tám năm 1945 là bước đi tiếp trong sự phát triển của nhân loại, đồng thời cũng là cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con người thuộc các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhỏ yếu thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà cách mạng Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã thực hiện.
Hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp đã đề cao và khẳng định quyền con người: “Mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn sâu rộng, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Chính sự suy rộng ra đã thể hiện một tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng thể hiện sự vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Từ đó tới nay, các nước trên thế giới đã và đang liên tục đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản của mình.
Bản Tuyên ngôn Độc lập kết thúc cùng lời tuyên bố trịnh trọng với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Có thể thấy, với trí tuệ thiên tài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp nhưng có sự điều chỉnh và phát triển thể hiện quan điểm riêng của mình về quyền con người và trên thực tế, tinh thần ấy đã được thể hiện và khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến nay. Đó chính là sự đóng góp về lý luận và thực tiễn về quyền con người, đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại. Đồng thời, thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, khả năng dự báo của thiên tài Hồ Chí Minh.
76 năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
LINH NHI(t/h)
Tuyên ngôn Độc lập - Ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam