Ảnh minh họa.
Từ 15h hôm nay (21/02), Liên Bộ Công thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, trong kỳ điều chỉnh lần này, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 960 đồng, RON 95 tăng 960 đồng/một lít.
Sau điều chỉnh của Liên Bộ Công thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/02 là 25.530 đồng một lít (tăng 960 đồng); RON 95 là 26.280 đồng một lít (tăng 960 đồng).
Với mức tăng giá lần này, giá xăng RON 95 vượt mức "đỉnh" vào tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít) và là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây. Trong khi đó, giá E5 RON 92 chỉ thấp hơn mức "đỉnh" được lập vào tháng 7/2014 khoảng 110 đồng một lít.
Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 19.500 đồng một lít, tăng 750 đồng. Dầu diesel là 20.800 đồng một lít, tăng 940 đồng. Dầu madut là 17.930 đồng một kg, tăng 280 đồng.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, Liên Bộ Tài chính - Công thương không thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với xăng E5 RON 92. Còn xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, giữ nguyên mức trích lập đối với dầu mazut ở mức 300 đồng một kg.
Đồng thời, chỉ sử dụng Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng một lít (kỳ trước là 200 đồng một lít), xăng RON 95 ở mức 100 đồng một lít (kỳ trước không chi), dầu diesel ở mức 300 đồng một lít, dầu hỏa và dầu mazut không chi Quỹ.
Một số doanh nghiệp lo ngại sau kỳ điều chỉnh ngày 21/02 thì chiết khấu vẫn rất thấp, có thể ở mức 0 đồng, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi, hơn một tháng qua, giá xăng và dầu liên tục biến động mạnh, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho biết vẫn lỗ 500 - 800 đồng một lít.
Ngoài khan hiếm nguồn cung, hoạt động kinh doanh thua lỗ cũng khiến nhiều đơn vị treo biển "tạm ngưng bán hàng" hoặc bán nhỏ giọt.
Tình trạng thiếu nguồn cung được các doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tiếp diễn khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa trở lại hoạt động với công suất ổn định.
Trước đó, ngày 18/02, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 1086/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Theo đó, Công văn 1086/VPCP-KTTH đã nêu rõ, đồng ý cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/02021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Các Bộ và cơ quan liên quan cần đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra xử lý nghiêm không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật.
TRẦN QUÝ
Mở cửa lại trường học đảm bảo nguyên tắc 'thích ứng an toàn, hiệu quả'