/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Giải mật điệp vụ đặc biệt của tình báo Liên Xô sau khi Mỹ ném bom nguyên tử Nhật Bản

Giải mật điệp vụ đặc biệt của tình báo Liên Xô sau khi Mỹ ném bom nguyên tử Nhật Bản

14/08/2021 16:06 |

(LSVN) - Cuối Thế chiến II, rất quan tâm đến hậu quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, Cơ quan tình báo quân đội GRU Liên Xô đã ngay lập tức phái hai sĩ quan tình báo sang Nhật thu thập thông tin về thảm kịch do loại vũ khí khủng khiếp này gây ra.

Từ lâu, Joseph Stalin biết rằng người Mỹ đang phát triển bom nguyên tử. Sau vụ thử hạt nhân thành công ở Alamogordo, tại Hội nghị Potsdam, Tổng thống Mỹ Truman đã thông báo với người đồng cấp Liên Xô rằng Mỹ có “một loại vũ khí mới có sức công phá phi thường”. Theo hồi ký của Truman, Stalin được cho là rất vui mừng và ngay lập tức đề nghị sử dụng vũ khí này chống lại Nhật Bản.

Cảnh Hirosima hoang tàn sau vụ ném bom. Ảnh: unwritten-record.

Mỹ vẫn được coi là đồng minh và Đế quốc Nhật Bản vẫn bị coi là kẻ thù của Liên Xô (vào ngày tấn công Nagasaki, chiến tranh Xô-Nhật bắt đầu). Trong cuộc trò chuyện với Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Averell Harriman, nhà lãnh đạo Liên Xô nói rằng, việc thành phố Hiroshima bị phá hủy sẽ là cái cớ để người Nhật thay đổi chính phủ và đầu hàng sau đó. Ông còn thể hiện nắm nhiều thông tin về các dự án nguyên tử của Đức và Anh.

Trinh sát hạt nhân

Trên thực tế, việc Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản đã đẩy “giới tinh hoa” của Liên Xô vào tình trạng báo động - điều đã được chứng kiến ​​bởi Svetlana Alliluyeva, người đến nhà nghỉ của Stalin vào ngày 07/8/1945. Nhà lãnh đạo Liên Xô hiểu việc ném bom xuống Hiroshima không chỉ là một đòn giáng mạnh vào người Nhật, mà còn là một “hành động răn đe” đối với người Nga. Vì vậy, Stalin muốn biết càng nhiều càng tốt kết quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân từ những nguồn đáng tin cậy nhất. Và trước hết, cần tìm hiểu xem liệu sức nổ có thực sự bằng “20 kiloton trinitrotoluene”, như Truman hé lộ hay không.

Để cung cấp thông tin đáng tin cậy cho Điện Kremlin, hai sĩ quan tình báo của GRU, Mikhail Ivanov và Sergeev German, đã được phái đến Hiroshima và Nagasaki. Chính thức, họ đến Nhật Bản với tư cách là nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao Liên Xô. Theo lời Đại tá Alexander Stolyarov, thông tin về Sergeev không được tiết lộ, ngay cả họ của anh, có lẽ là giả. Người ta biết về Ivanov là đã chiến đấu như một chiến sĩ tình nguyện trong Nội chiến Tây Ban Nha, và năm 1941, đã đến Nhật Bản dưới bình phong là thư ký của bộ phận lãnh sự. Công việc thực của Ivanov là liên lạc với các điệp viên bất hợp pháp, bao gồm cả nhóm “Ramzai”, do huyền thoại tình báo Richard Sorge chỉ huy.

Va li chứa các vật “lưu niệm”

Moscow đã yêu cầu các tình báo viên thu thập dữ liệu về kết quả của vụ ném bom và tìm hiểu độ sâu của các miệng hố bom được hình thành sau vụ nổ. Các đặc vụ GRU đã đến Hiroshima vào ngày 16/8 và trên đường trở về Tokyo, họ cũng đã ghé qua Nagasaki. Các “nhà ngoại giao” Liên Xô là những người nước ngoài đầu tiên nhìn thấy và có thể đánh giá hậu quả của các vụ nổ hạt nhân; các chuyên gia Mỹ mãi đến ngày 20/8 mới đến Hiroshima. 

Trước hết, các cán bộ tình báo bị ấn tượng bởi không có miệng hố bom nào được tìm thấy ở Hiroshima - điều xác nhận rằng người Mỹ đã sử dụng không phải một quả bom thông thường mà một loại bom mới về cơ bản. Đối với người có kinh nghiệm, độ sâu của hố bom hình phễu và độ dốc của nó có thể nói lên rất nhiều điều về công suất của khối thuốc nổ. Hiroshima thực sự không còn tồn tại; trên những phiến đá, Ivanov và Sergeev nhìn thấy dấu vết của những người đã chết. Tại chính tâm chấn, giữa những đường ray xoắn, tro tàn và xác chết cháy đã nói lên sức công phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.

Tại tâm của vụ nổ và cách điểm này một km, tất cả các tòa nhà đều bị phá hủy, đất bị tan chảy. Sự hỗn loạn ngự trị xung quanh, điều mà các sĩ quan chưa từng thấy trước đây. Khu vực đường sắt giáp nhà ga đã biến thành nghĩa địa đầu máy hơi nước. Các toa xe bị lật, cháy rụi, đường ray và tà vẹt bị xé toạc trên mặt đất. Và vì lý do nào đó, tất cả những thứ này chuyển thành tông màu đỏ cam của oxit sắt; một căn bệnh không rõ đang hoành hành trong thành phố. Ivanov và Sergeev quyết định đi bộ dọc theo con phố chính được đánh dấu trên bản đồ du lịch. Ivanov và Sergeev nhìn thấy những người không thể đứng, không thể đi lại và nằm gần như không bất động.

Hình ảnh Nagasaki sau vụ nổ. Ảnh: knowledgesnacks.com.

Nagasaki khác Hiroshima ở chỗ, cùng với những khu vực bị tàn phá và cháy rụi, ở một số nơi còn có những hòn đảo chỉ còn một nửa tàn tích của những tòa nhà có dấu hiệu của sự sống. Do vụ nổ và trong vòng sáu tháng sau vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki, hơn 320.000 người đã thiệt mạng.

Bị sốc bởi những gì nhìn thấy, các sĩ quan tình báo không thể ngủ được. Mikhail mời German một ly rượu whisky từ chai Suntory mà anh đã thận trọng mang theo, nhưng German nhấp một ngụm, bị sặc và từ chối. Ivanov uống cạn ly. Ba ngày sau, Ivanov gửi một va li với các mẫu đất, đá phóng xạ và hài cốt của người chết về Moscow theo đường ngoại giao. Trong báo cáo của mình, anh đính kèm bản dịch các bài báo từ các tờ báo Nhật Bản về tình hình ở các thành phố bị hủy diệt.

Kết cục khó ngờ

Ivanov cũng đã về Moscow để trực tiếp báo cáo cho lãnh đạo về những gì anh ấy đã thấy. Khi đích thân Ivanov nói với Stalin và Beria về những ấn tượng của anh, “thống chế Lubyanka” (Lavrenty Beria) bị sốc vì không tin vào bản báo cáo và gọi sĩ quan GRU là “kẻ manh động”. Báo cáo này gần như kết thúc với một bản án tử hình, vì các nhà lãnh đạo cấp cao không tin vào mô tả khủng khiếp và buộc tội các sĩ quan tình báo bị dao động.

Tổng tham mưu trưởng A. Antonov đã cứu mạng Ivanov, đặc vụ GRU không bị bắn nhưng cũng không được thưởng mà được lệnh trở lại Nhật Bản. Dù sao, Stalin đã bị thuyết phục về sự cần thiết phải kích hoạt dự án hạt nhân của Liên Xô. Ngày 20/8, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước thành lập Cục Một trực thuộc Hội đồng Nhân dân Liên Xô để điều hành dự án nguyên tử, do Boris Vannikov đứng đầu. Đồng thời, một Ủy ban Đặc biệt chỉ đạo “mọi công việc về việc sử dụng năng lượng nguyên tử của uranium”, do Lavrenty Beria đứng đầu, đã được thành lập.

Thiếu tướng GRU Mikhail Ivanov (1912-2013). Ảnh: vexsi.ru.

Các tình báo viên, những người đến thăm các địa điểm ném bom mà không có thiết bị bảo vệ, đã bị ốm vì bức xạ. Các bác sĩ không thể giúp đỡ Sergeev German, anh chết ngay sau đó; Ivanov thoát được. Mặc dù các bác sĩ đã truyền 08 lít máu cho Ivanov, sỹ quan tình báo này chắc chắn rằng chai rượu whisky của Nhật Bản, mà anh đã uống trên chuyến tàu trên đường từ Hiroshima đến Nagasaki, đã cứu anh ta khỏi những ảnh hưởng tồi tệ nhất của bức xạ. Có thể rượu đã đẩy nhanh quá trình loại bỏ các chất phóng xạ ra khỏi cơ thể. Cũng có thể Sergeev chỉ đơn giản là “nhận” được một liều lớn hơn, vì đã tự tay thu thập những viên đá tan chảy và lục lọi trong bụi và tro nhiễm phóng xạ.

Kể từ đó, trong Quân đội Liên Xô, ý kiến ​​về tác dụng bảo vệ của rượu khi bị phơi nhiễm phóng xạ đã lan rộng. Các nhà bức xạ học đã nghiên cứu ảnh hưởng của rượu đối với khả năng chống lại bức xạ của cơ thể. Không có mối quan hệ trực tiếp và vô điều kiện nào được tìm thấy. Tuy nhiên, họ đã đưa ra khuyến cáo chính thức về việc bảo vệ khỏi bức xạ: tất cả những người làm nhiệm vụ liên quan đến các chất phóng xạ nên uống rượu có chừng mực. Các thủy thủ tàu ngầm hạt nhân, những người tiêu thụ mỗi ngày 200 gram rượu vang khô, đã đặt tên “chiếc ly của Ivanov” để vinh danh người sỹ quan tình báo.

Những mẫu vật mà các trinh sát thu thập được là những hiện vật đầu tiên và duy nhất của loại hình này từ nơi xảy ra các vụ nổ hạt nhân và tất nhiên, có giá trị rất lớn. “Quà lưu niệm” từ Hiroshima và Nagasaki được các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau - vật lý nguyên tử, hóa học, sinh vật học, y học quân sự nghiên cứu... Các báo cáo của các sĩ quan tình báo với các bức ảnh đính kèm về các thành phố của Nhật Bản bị ném bom hạt nhân đã được các nhà phân tích của Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục tình báo Hồng quân nghiên cứu.

Bốn năm sau, cũng vào tháng 8, quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô được thử nghiệm thành công tại bãi thử Semipalatinsk. Thành tựu vĩ đại này có sự đóng góp không nhỏ của hai sỹ quan tình báo Ivanov và Sergeev. Bản báo cáo đầu tiên do Ivanov gửi về Moscow cùng với những chiếc vali đã không còn nữa. Có thể giả định, khi nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ trở nên phổ biến, cả vali hiện vật và bản báo cáo đều bị tiêu hủy.

LÊ NGỌC/VOV.VN

Vụ ném bom nào của Mỹ khủng khiếp hơn Hiroshima và Nagasaki?

Nguyễn Lâm