Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về tình trạng giả mạo viên chức, công chức, người lao động trực thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan Nhà nước lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, là những hành động lợi dụng các hình ảnh, thông tin của các cán bộ ngành Kiểm sát, Công an, Tòa án nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và làm xấu hình ảnh lực lượng cơ quan chức năng, giảm sự uy tín đối với xã hội.
Năm 2023, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về 24 hình thức lừa đảo qua mạng.
Theo Bộ Công an, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững. Đồng thời, đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, VKSND Tối cao cũng đã ban hành Quyết định số 457/QĐ-VKSTC quy định về ứng xử và văn hóa công vụ trong ngành KSND. Trong đó, tại Điều 16, Quyết định số 457/QĐ-VKSTC này quy định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KSND không sử dụng tên, hình ảnh, phù hiệu ngành làm ảnh đại diện, tài khoản cá nhân trên mạng Internet, mạng xã hội; không sử dụng trang phục, hình ảnh của ngành khi tham gia mạng xã hội với mục đích cá nhân…
Những quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi ngày nay, công nghệ Deepfake có thể biến những hình ảnh, thông tin của cá nhân trên không gian mạng trở thành những hình ảnh, clip hoàn toàn mới với nội dung có tính chất lừa đảo.
Thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã dùng rất nhiều phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, có không ít trường hợp mạo danh các cơ quan bảo vệ pháp luật như CQĐT, VKS, Tòa án... Những hình ảnh kiểm sát viên thật trên không gian mạng bị đánh cắp, bị lợi dụng, sử dụng trái phép để xuyên tạc, lừa đảo, trở thành công cụ cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội...
Do đó, việc quy định không phổ biến đồng phục, phù hiệu và những thông tin, địa chỉ cá nhân, nơi công tác của kiểm sát viên, cán bộ VKSND lên không gian mạng là phù hợp vì những thông tin hình ảnh của kiểm sát viên, cán bộ VKS có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng, sử dụng trái phép, giả mạo để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nghề bảo vệ pháp luật là một nghề nguy hiểm, do đó trong trường hợp phạm tội, các đối tượng xấu biết được thông tin về đời tư cá nhân, về cơ quan công tác hoặc những thông tin cá nhân khác của cán bộ VKS thì có thể gây ra những phiền hà, rắc rối, thậm chí nguy hiểm cho các cán bộ.
Chính vì thế, việc bảo mật thông tin về đời tư cá nhân cũng như thông tin về cơ quan đơn vị công tác, tránh việc phát tán rộng rãi trên không gian mạng nhằm bảo vệ uy tín danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của cán bộ ngành KSND là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, quy định văn hóa ứng xử không sử dụng tên, hình ảnh, phù hiệu ngành trên không gian mạng cũng là phù hợp, bởi hoạt động trên không gian mạng chủ yếu là hoạt động cá nhân, mang tính chất riêng tư, không cần phải nhân danh một ngành nghề lĩnh vực. Việc này nhằm tránh trường hợp lợi dụng ngành nghề, vị trí công tác mà có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với tổ chức, cá nhân khác hoặc đối với cơ quan mà các cán bộ đó đang làm việc.
Không gian mạng là không gian mở và đồng thời cũng là không gian mới. Do đó, các ngành nghề lĩnh vực và mọi người đều có thể tham gia các hoạt động trên không gian mạng, các hoạt động ngày càng trở nên phổ biến và chiếm ưu thế. Vì vậy, việc ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh hành vi của mọi người trên không gian mạng, đồng thời các quy chế để quản lý cán bộ nhân viên, thành viên của các tổ chức trên không gian mạng sao cho các hoạt động tuân thủ pháp luật và có văn hóa ứng xử phù hợp trên không gian mạng là rất cần thiết.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sẽ ngày càng hoàn thiện để điều chỉnh của hành vi của các tổ chức cá nhân trên không gian mạng. Đồng thời các quy chế, quy tắc ứng xử trên không gian mạng cũng sẽ được ban hành trong hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức để đảm bảo một môi trường mạng lành mạnh, an toàn, văn minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Quyền lợi của khách hàng khi mua bảo hiểm theo quy định pháp luật từ một số vụ việc cụ thể