/ Pháp luật - Đời sống
/ Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là áp lực cho cả ngành Kiểm sát và Tòa án

Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là áp lực cho cả ngành Kiểm sát và Tòa án

30/03/2023 11:14 |

(LSVN) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, chiều 20/3/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Kiểm sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn.

Đặt câu hỏi chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An ghi nhận trong thời gian qua ngành Tòa án và Viện Kiểm sát đã cố gắng để tăng tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm… Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung nêu rõ, qua báo cáo của Viện Kiểm sát, tỷ lệ giải quyết đơn thuộc thẩm quyền chưa đạt tỷ lệ Quốc hội giao. Theo đó, có hàng nghìn đơn chưa được xem xét xử lý, trong đó có thể có quyết định bản án có sai sót, oan sai và quá thời hạn kháng nghị. 

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên và giải pháp căn cơ nào để nâng cao hơn nữa tỷ lệ, tiến độ, chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để kịp thời khắc phục những sai lầm nghiêm trọng của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Trả lời chất vấn về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, dưới góc độ ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, luật quy định 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta có tâm lí sau khi nhận được quyết định bản án có hiệu lực thi hành đương sự có ngay đơn giám đốc thẩm, tình trạng xét xử không có điểm dừng và ngày càng nhiều. 

Trách nhiệm xem xét đơn kháng nghị là của cả Tòa án và Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, 2 ngành cùng giải quyết 1 vụ việc thì ngành nào thuận lợi hơn thì ngành kia không làm, thì lại không đạt tỉ lệ giải quyết.

Đối với những vụ việc mà Viện Kiểm sát có hồ sơ thì đều giải quyết đạt trên và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu tính cứ có đơn là phải giải quyết thì ngành kiểm sát không đạt bởi nhiều vụ việc không có hồ sơ. 

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm áp lực lớn cho cả Tòa án và Viện Kiểm sát. Thời gian tới người dân nhận thức được điểm dừng, đồng thời các ngành tư pháp nâng cao chất lượng giải quyết. Ngành kiểm sát cũng nỗ lực, cử kiểm sát viên phân loại và xử lý, kiểm soát tỉ lệ giải quyết đơn. Theo đó, đồng bộ từ quy định pháp luật, nhận thức của người dân và nỗ lực của ngành thì mới có thể kiểm soát được tỉ lệ giải quyết.

Bên cạnh đó, về án hành chính, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết hiện nay, phần lớn án hành chính liên quan đến đất đai. Thời gian tới, cần giải quyết những bất cập trong Luật Đất đai hạn từ đó hạn chế khiếu kiện tranh chấp, giá trị đất đai xác định khách quan.

Mặt khác, trong án hành chính có yếu tố cả nể. Cùng với đó, án hành chính liên quan đến quá trình dài, tính chất phức tạp, hồ sơ tài liệu không phải lúc nào cũng được cơ quan hành chính cung cấp đầy đủ, hay việc tham gia phiên tòa của người đứng đầu cơ quan bị khởi kiện hạn chế, hay khi bản án có hiệu lực thi hành thì không phải lúc nào cũng được nghiêm túc thi hành. Từ những nguyên nhân trên ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết án hành chính. Do đó, cần xem xét căn cơ từ pháp luật đến mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống.

VĂN QUANG

Quy định về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Bùi Thị Thanh Loan