Hợp đồng thuê đất được "biến tấu" như thế nào?
Khu đất ven đê sông Hồng thuộc thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh) khoảng 45ha, từ trước năm 1990 được sử dụng vào đào lấy đất đắp đê, ra cố đoạn đê sông Hồng nên để lại những thùng sâu từ 4-5 mét, xen kẽ nhau trũng thấp, ngập úng, không thể canh tác. Đất hoang hóa vào loại không ổn định. Để tăng ngân sách, xây dựng cơ sở hạ tầng và cải tạo đất, xã Tráng Việt và Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thôn Đông Cao đã thống nhất qua nghị quyết bỏ thầu cho các hộ dân thuê diện tích đất khu Ao cá, thời hạn 20 năm.
Các hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn từ năm 2003.
Tháng 3/1996, có 29 hộ dân ký hợp đồng thuê đất với UBND xã Tráng Việt và HTX nông nghiệp thôn Đông Cao. Trong phần quyền hạn và trách nhiệm của người được giao đất, ghi rõ: "Người thầu được thuê đất là 20 năm, tính từ ngày 30/3/1996 - 30/3/2016. Người được giao đất sẽ được Nhà nước bảo vệ pháp luật, có quyền đầu tư, cải tạo để phát triển kinh tế". Đặc biệt ở Mục 4 của phần II còn ghi rõ: Khi hết hạn hợp đồng, về đất đai, hai bên sẽ căn cứ vào Luật Đất đai để thực hiện. Về cơ sở vật chất cây cối hoa màu: Tính giá trị theo thời điểm để thanh toán trả chủ thầu cũ nếu người thuê đất có nhu cầu thì căn cứ vào Luật Đất đai hiện hành vào thời điểm đó để áp dụng...".
Sau khi nhận thầu đất, các hộ đã huy động công sức và tiền của, bán cả đất thổ cư, vay vốn ngân hàng đầu tư cải tạo, san lấp mặt bằng để sản xuất, trồng trọt chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, xây dựng hàng quán, cơ sở kinh doanh nông nghiệp, xây nhà và tường rào để bảo vệ tài sản, góp phần bảo vệ an ninh thôn xóm. Chi phí đầu tư mỗi mẫu đất ước tính khoảng 1 tỉ đồng (giá trị năm 1996-1997).
Ngày 15/12/2003, 29 hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thời hạn đến tháng 10/2016, nên càng yên tâm đầu tư vốn, công sức vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng các loại hình kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và xã hội. Từng có nhiều đoàn thuộc ban, ngành của huyện và thành phố đến thăm quan và từng có những cá nhân được báo cáo mô hình sản xuất kinh doanh giỏi và được phong tặng các danh hiệu cao quý. Ví như ông Lương Văn Lợi (SN 1957) được UBND TP. Hà Nội tặng Bằng khen "Đã có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2007-2009"; được UBND huyện Mê Linh tặng Giấy khen (năm 2013) và được Hội Nông dân, Ban Chấp hành thành phố khen ngợi cấp Thành phố (năm 2013-2014).
Hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp của các hộ dân đang ngày càng ổn định, phát triển và hiệu quả thì bỗng nhiên nhận được một Quyết định" trời giáng". Đó là ngày 01/11/2017, Sở Tài nguyên - Môi trường - CCQLĐĐ TP. Hà Nội ra Văn bản 4249 gửi UBND huyện Mê Linh và ý kiến chỉ đạo: "UBND xã Tráng Việt ký Hợp đồng thuê đất đối với các hộ gia đình, cá nhân thời hạn (1996-2006); sau khi hết thời hạn thuê đất, các bên đã thực hiện thanh lý Hợp đồng, việc các hộ gia đình thuê đất công ích đã đầu tư xây dựng công trình là để phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong thời hạn thuê đất, UBND xã Tráng Việt không có trách nhiệm phải hỗ trợ tài sản trên đất mà các hộ đã đầu tư xây dựng". Chưa hết, Văn bản số 9249 của Sở Tài nguyên và Môi trường còn khướt từ đề nghị của UBND huyện Mê Linh: "Đề nghị cho phép đấu giá, trong đó có tính toán giá trị tài sản trên đất của các hộ thuê đất trước đây đã đầu tư được xác định trong phương án đấu giá, tiền đấu giá... là không có cơ sở".
Như vậy, Văn bản số 9242 đã kéo lùi thời hạn thuê đất của các hộ dân là 10 năm (1996-2006). Thực tế thời hạn trong hợp đồng thuê đất là 20 năm (1996-2016). Các hộ dân chưa hề thanh lý hợp đồng vì chính UBND xã Tráng Việt đã vi phạm hợp đồng. Trong khi đó, Văn bản 9249 ghi: "Đã thanh lý hợp đồng". Khi gần hết hạn hợp đồng thầu đất 20 năm (30/3/1996-30/3/2016), trước đó ngày 05/7/2015 các hộ dân đã có đơn xin gia hạn gửi UBND xã Tráng Việt nhưng xã không phản hồi gì. Tháng 11/2015, các hộ dân tiếp tục có đơn xin gia hạn hợp đồng lần thứ 2, nhưng xã Tráng Việt và huyện Mê Linh đều "im lặng đáng sợ".
Rõ ràng, Văn bản số 9249/STNMT-CCQLĐĐ là văn bản "bóp méo" sự thật, không phù hợp với Hợp đồng thuê đất của UBND xã Tráng Việt và các hộ dân đã ký kết. Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội và UBND xã Tráng Việt cần xem lại thời hạn thuê đất theo Điều 126 Luật Đất đai 2013, Điều 5 và Điều 11 Luật Đất đai 1993 về phân loại đất quy định không có đất công ích mà chỉ có đất chưa sử dụng; các Điều 20; 72; 49 Luật Đất đai 2013 và Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về trình tự, thủ tục gia hạn sử dụng đất.
Quyền lợi của dân cần được đảm bảo, trước khi giải tỏa (!)
Trong Thông báo số 02 ngày 27/02/2017 của UBND xã Tráng Việt gửi các hộ dân chỉ đề cập tới việc thanh lý Hợp đồng thầu đất 20 năm mà không nói gì đến quyền lợi của họ, với những đầu tư, gây dựng. Đó là điều phi lý. Tại Mục 4 của Hợp đồng thuê đất nêu rõ: "Khi hết hạn hợp đồng, về cơ sở vật, cây cối hoa màu: Tính giá trị theo thời điểm để thanh toán trả chủ thầu cũ nếu người thuê đất có nhu cầu sử dụng đất tiếp thì căn cứ vào Luật Đất đai hiện hành vào thời điểm đó để áp dụng".
Các hộ dân đang bức xúc trước các quyết định hành chính sai phạm về hành vi hành chính của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh.
"Vậy "UBND xã Tráng Việt (và những nơi ra các văn bản) có căn vào Luật Đất đai quy định bồi thường về đất; quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất kinh doanh khi nhà nước thu hồi đất; có căn cứ vào Điều 5 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi nhà nước thu hồi đất" hay không?", Luật sư Nguyễn Văn Quang, Công ty Luật Bảo Hà (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đặt câu hỏi.
Ngày 20/3/2017, UBND xã Tráng Việt có Thông báo số 19 về việc kiểm kê tài sản. Ngày 19/01/2028, các hộ dân nhận tiếp Thông báo số 02 về việc bàn giao mặt bằng hết hạn. Rõ ràng, việc thực hiện triển khai phương án chia lô, đánh số, thanh lý hợp đồng của UBND xã Tráng Việt là trái với quy định của pháp luật.
Vậy nhưng, khi chưa giải quyết những quyền lợi, những đòi hỏi chính đáng của người dân; khi đất chưa có quyết định thu hồi; việc thực hiện chia lô nên phương án đấu giá của UBND xã Tráng Việt không đúng với quy định của Luật Đất đai năm 2013; khi chưa làm rõ được kết luận thanh tra theo Văn bản 9249 có sai sự thật, có "cướp trắng" công sức tiền bạc của người dân thì nay - ngày 09/3/2023, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh lại ra quyết định (Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả). Theo đó, buộc 14 hộ dân tháo dỡ toàn bộ các công trình trên đất, di chuyển cây cối, hoa màu ra khỏi khu đất họ đang sử dụng. Quyết định hành chính này khiến người dân phản đối và dư luận đang quan tâm. 14 hộ dân đang khiếu kiện kêu cứu khẩn cấp.
Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ thông tin những diễn biến xung quanh việc giải tỏa đất thầu đầy bất thường này.
ĐỨC DŨNG - THU TRANG