Ảnh minh họa.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu toàn ngành chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chú trọng và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, giảm thiểu tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình cung ứng, thực hiện các hoạt động ngân hàng trên môi trường số. Bên cạnh đó, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.
Chỉ thị số 02/CT-NHNN cũng chỉ rõ cần phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong việc tổ chức triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money). Cùng với đó là nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng công nghệ (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thông tin tín dụng quốc gia,...) nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong việc triển khai, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, thuận tiện trên nền tàng số.
Đối với các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Thống đốc yêu cầu chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng, đảm bảo an ninh an toàn trên địa bàn và phối hợp với các sở ban, ngành, cơ quan liên quan trên địa bàn để tham mưu, thông tin kịp thời cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số đảm bảo an ninh, an toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đối với tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Chỉ thị nêu rõ, tiếp tục xây dựng và triển khai Kế hoạch/ Chiến lược chuyển đổi số phù hợp với định hướng phát triển và nguồn lực, khả năng của đơn vị, trong đó chú trọng đến việc phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, an toàn, tiện ích, phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, tăng cường trải nghiệm khách hàng. Theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN, triển khai các định hựớng, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, ban hành nhiều cơ chê, chính sách tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Ngoài ra, chuyển đổi số ngành ngân hàng đã có một số kết quả như nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số (thanh toán, tiền gửi, tiết kiệm...) đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến, mọi lúc mọi nơi của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch Covid-19; thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh; các ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực…
Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức trong vấn đề hoàn thiện các quy định pháp lý, đồng bộ và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng để kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số, thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng, đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng...
PHƯƠNG ANH