Ảnh minh họa.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 20/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Giải trình ý kiến Đại biểu về đề xuất tại sao giảm thuế VAT đối với một số đối tượng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đề xuất này nhằm giảm áp lực ngân sách nhà nước.
Nếu chúng ta giảm tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ thì 06 tháng đầu năm 2024 giảm khoảng 37.100 tỉ đồng, còn nếu chỉ có hàng hóa, dịch vụ như trong đối tượng đã trình thì khoảng 25.000 tỉ đồng.
Việc đề xuất giảm thuế VAT chỉ áp dụng trong ngắn hạn, bởi thuế tác động đến việc nâng cao năng lực tài chính công, muốn vậy phải tăng thuế suất…
Do vậy, giảm thuế trong ngắn hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sau đó sẽ tăng thuế suất – đây là xu thế tất yếu; song song với đó sẽ áp dụng các biện pháp kích cầu khác để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thuế gián thu này đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp là người nộp thuế nhưng người chịu thuế là người tiêu dùng. Vì vậy, nếu chúng ta tăng được cầu của hàng hóa thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ bán được hàng.
Ngược lại, khi giá trị hàng hóa giảm xuống sẽ kích thích người dân mua hàng hóa, nhưng lại tác động đè nặng lên ngân sách.
Bộ trưởng cũng cho rằng, trong ngắn hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn sẽ thực hiện giảm thuế trong vòng 6 tháng; đồng thời đẩy mạnh các biện pháp khác. Khi vượt qua khó khăn sẽ tăng thuế suất khi sửa các luật thuế.
Tiếp đó, Bộ trưởng cũng thông tin 03 địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất khi giảm thuế VAT.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh giảm 3.987 tỉ đồng, Hà Nội giảm 3.469 tỉ đồng, Bình Dương giảm 1.153 tỉ đồng. Giảm trên 500 tỉ đồng có 02 địa phương là Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết phải giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, có Đại biểu đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết ban hành chính sách, đánh giá kỹ hơn khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng, đánh giá cơ sở tính toán dự báo tác động ngân sách và kinh tế vĩ mô trong dài hạn.
Các Đại biểu thống nhất với phạm vi, đối tượng giảm thuế, thời gian áp dụng chính sách, hiệu lực thi hành nhưng cũng có đại biểu đề nghị mở rộng thêm chính sách để áp dụng cho tất cả các nhóm hàng hóa dịch vụ đang chịu mức thuế suất 10%. Có ý kiến đề nghị áp dụng chính sách cho cả năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để xây dựng báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý các nội dung về việc giảm thuế VAT trình Quốc hội xem xét thông qua.
QUÝ MINH
Dạy thêm - học thêm nếu xuất phát từ nguyện vọng của người học thì không đáng lên án