Giao dịch thế chấp ngân hàng có vô hiệu khi bị làm giả chữ ký để chuyển nhượng nhà đất?

13/04/2022 03:22 | 2 năm trước

(LSVN) - Nhà đất thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông A., bà B. Ông A. làm giả chữ ký của bà B. để chuyển nhượng nhà đất cho C. Sau khi chuyển nhượng, ông A., bà B. vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất. Sau đó, C. dùng tài sản này để thế chấp khoản vay tại Ngân hàng. Vậy, giao dịch thế chấp tại ngân hàng có bị vô hiệu không?

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này tại Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TAND Tối cao đã nêu rõ, căn cứ khoản 2, Điều 133, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

Trường hợp này, việc ông A. giả chữ ký của bà B. để chuyển nhượng nhà đất cho C. mà không được bà B. đồng ý, nên căn cứ Điều 123 của Bộ luật Dân sự 2015 thì giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên là vô hiệu.

Sau khi nhận chuyển nhượng, C. dùng tài sản này thế chấp khoản vay tại ngân hàng nhưng khi ký hợp đồng thế chấp tài sản, ngân hàng không thẩm định, xác minh nên không biết ông A., bà B. vẫn quản lý, sử dụng nhà đất hoặc đã thẩm định nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông A., bà B. biết việc thế chấp tài sản này.

Trong trường hợp này, bên nhận thế chấp tài sản (ngân hàng) không phải là người thứ ba ngay tình theo quy định tại khoản 2, Điều 133 của Bộ luật Dân sự 2015, do vậy, hợp đồng thế chấp tài sản cũng vô hiệu.

TRẦN VŨ

Tòa án có thể xem xét, quyết định các giá trị pháp lý của hợp đồng về quyền sử dụng đất được tặng cho hay không?