/ Hoạt động trợ giúp
/ Trình tự, thủ tục định giá tài sản để giải quyết vụ án hình sự

Trình tự, thủ tục định giá tài sản để giải quyết vụ án hình sự

05/01/2021 17:50 |

LSVNO - Ngày 07/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, t...

LSVNO - Ngày 07/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, thay thế Nghị định 26/2005/NĐ-CP.

Theo Nghị định này, việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự được tiến hành theo các căn cứ sau:

- Việc định giá tài sản không phải là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ gồm: Giá thị trường của tài sản; Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.

- Việc định giá tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên gồm: Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm (nếu có); giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin; giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này; các căn cứ khác giúp xác định giá trị của tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tin cậy của các căn cứ này.

Nghị định 30/2018/NĐ-CP nêu rõ các mức giá từ các nguồn thông tin quy định nêu trên được xác định tại thời điểm và tại nơi tài sản được yêu cầu định giá. Trường hợp thu thập nguồn thông tin về mức giá tài sản tại thời điểm khác hoặc ở địa phương khác thì mức giá đó cần được điều chỉnh phù hợp về thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.

Nghị định cũng quy định, Hội đồng định giá (HĐĐG) được thành lập theo hai loại là HĐĐG theo vụ việc và HĐĐG thường xuyên như sau:

HĐĐG theo vụ việc:

- HĐĐG theo vụ việc được thành lập ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở trung ương.

- HĐĐG theo vụ việc cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

- HĐĐG theo vụ việc cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá các loại tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.

- HĐĐG theo vụ việc ở trung ương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định này.

Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập HĐĐG tài sản.

- Thành phần, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của HĐĐG theo vụ việc, quyền và nghĩa vụ của thành viên và Chủ tịch HĐĐG theo vụ việc thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.

HĐĐG thường xuyên:

- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh quyết định thành lập HĐĐG thường xuyên để định giá tài sản.

- HĐĐG thường xuyên cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

- HĐĐG thường xuyên cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.

- Quyết định thành lập HĐĐG thường xuyên được gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để cơ quan này gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này.

- Thành phần, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của HĐĐG thường xuyên, quyền và nghĩa vụ của thành viên và Chủ tịch HĐĐG thường xuyên thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.

- Đối với cùng một tài sản được cơ quan có thẩm quyền trưng cầu định giá, trường hợp HĐĐG thường xuyên đã được thành lập để tiến hành định giá đối với tài sản này thì không thành lập HĐĐG theo vụ việc theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Hà Thủy