Cụ thể, theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 161/2024/NĐ-CP, người vận tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bị thu hồi Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trong 04 trường hợp sau:
- Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy vận chuyển hàng hóa nguy hiểm;
- Thực hiện việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không đúng với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoặc không đúng với Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đã được cấp;
- Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng người vận chuyển hàng hóa nguy hiểm khi chưa được tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định.

Ảnh minh hoạ.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì sẽ thực hiện thu hồi giấy phép do mình cấp theo trình tự sau:
Bước 1: Ban hành quyết định
Cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi Giấy phép và gửi đến người vận tải.
Bước 2: Xử lý thu hồi
Trừ trường hợp người vận tải chấm dứt hoạt động Giấy phép theo quy định của pháp luật, các trường hợp còn khi bị thu hồi Giấy phép thì người vận tải phải nộp lại Giấy phép trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký quyết định. Cơ quan cấp Giấy phép không cấp lại Giấy phép trong thời gian 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành. Đồng thời người vận tải phải dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quyết định thu hồi.
Trường hợp người vận tải vi phạm không nộp lại đúng thời hạn, cơ quan cấp Giấy phép không cấp lại Giấy phép trong thời gian 60 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn trên, nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia vận chuyển thì người vận tải phải làm thủ tục như cấp lần đầu để được cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 15 Nghị định 161/2024/NĐ-CP.
Bước 3: Thông báo
Cơ quan có thẩm quyền thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan về việc thu hồi Giấy phép đã cấp.