Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19: Loạn kiểu cách, bất tuân hướng dẫn của Bộ Y tế

14/09/2021 03:57 | 3 năm trước

(LSVN) - Mặc dù, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về mẫu Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19, tuy nhiên các giấy xác nhận hiện nay do các cơ sở tiêm chủng cấp mỗi nơi một kiểu và không thống nhất như quy định.

Theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Cùng với các hướng dẫn về thực hiện công tác tiêm chủng, mẫu Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 được quy định với nội dung dùng song ngữ tiếng Việt - Anh, như sau: Trên cùng là Quốc hiệu và Tiêu ngữ; Góc trái: Mã QR Code; Tên giấy: Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19/(Certificate of Covid-19 vaccination); Họ và tên/Name:…; Ngày sinh/Date of birth (day/month/year):…; Số CCCD/CMT/hộ chiếu/ID:…; Số điện thoại/Tel:…; Địa chỉ (Address):…; Đã được tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19/Has been vaccinated with Covid-19 vaccine:…; Mũi 1/Mũi 2 (First dose/Second dose); Ngày/date:…; Loại vaccine/Vaccine:…; Cơ sở tiêm chủng/Immunization unit; Ký tên, đóng dấu/(Sign and Stamp).

Mẫu Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 của một số bệnh viện.

Quyết định số 3588/QĐ-BYT của Bộ Y tế cũng nêu rõ, hướng dẫn này là căn cứ để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện (Hướng dẫn này sẽ được cập nhật theo tình hình thực tế triển khai tiêm chủng). 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số cơ sở tiêm chủng đã áp dụng không đúng quy định. Đa số mẫu Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 không có mã QR Code. Một số đơn vị (Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - Trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Phổi Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp; Bệnh viện Đa khoa Phương Đông,…) đã “sáng tác” thêm những nội dung như: Đơn vị công tác, Nhà sản xuất, Nước sản xuất, Lô sản xuất, Hạn sử dụng,... Ngoài ra, Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm, Trạm Y tế phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội),… liên tục thay đổi mẫu Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19. Sự khác nhau về nội dung của Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 (lúc thì có ghi số lô sản xuất, hạn sử dụng,... lúc thì không) trong cùng một thời điểm tiêm đã khiến một số người được tiêm băn khoăn.

Có những Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 được thể hiện rất sơ sài, cẩu thả. Có nơi ghi địa chỉ theo hộ khẩu thường trú, có nơi lại ghi theo địa chỉ tạm trú. Nơi thì ghi số CCCD/CMT/hộ chiếu, nơi thì không,... Trong đó phải kể đến, Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 của Trạm Y tế phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được thiết kế không đúng theo mẫu, có chữ ký và họ tên người ký, nhưng không được đóng dấu đơn vị cấp; Giấy xác nhận của Trạm Y tế phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) chưa có thông tin tiêm mũi 2, nhưng đã có chữ ký và họ tên người ký,…

Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 của Trạm Y tế phường Cổ Nhuế 2 không được đóng dấu theo quy định.

Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 của Trạm Y tế phường Định Công chưa có thông tin tiêm, nhưng đã có chữ ký và họ tên người ký.

Đáng chú ý, phần nội dung tiếng Anh của Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 cũng được nhiều cơ sở tiêm chủng sử dụng tùy tiện và có dấu hiệu chuyển ngữ/dịch không đảm bảo về mặt câu từ, nội dung liên quan.

Theo đó, cụm từ “Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19” theo mẫu của Bộ Y tế là “Certificate of Covid-19 vaccination”, đã được Bệnh viện Phổi Trung ương đổi thành “Covid-19 vaccination Certificate”,…

Cụm từ “Đã được tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19" theo mẫu là “Has been vaccinated with Covid-19 vaccine”, được Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - Trường Đại học Y Hà Nội dịch là “Has on the date indicated been vaccinated against Covid-19”; Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đổi thành “Has been vaccinated against Covid-19”;… Cụm từ “Mũi 1/Mũi 2” (“First Dose/Second Dose”) được Bệnh viện Phổi Trung ương đổi thành “First Shot/Second Shot”.

“Đơn vị tiêm chủng/Immunization unit” được Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - Trường Đại học Y Hà Nội đổi thành “Vaccination Department”; Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sử dụng “Vaccination Facility”;... Cụm từ "Ký tên, đóng dấu/Sign and Stamp" được Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đổi thành “Official Stamp”; Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - Trường Đại học Y Hà Nội dịch là “Signature and Official Stamp”;…

Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn của về việc sử dung ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử được kết nối trực tiếp với Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử sẽ thay thế cho giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine từ lâu nhưng vẫn chưa được cập nhật, không có mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử trong mục Chứng nhận tiêm vaccine Covid-19. Những trường hợp này cần truy cập đường dẫn http://tiemchungcovid19.moh.gov.vn, hoặc truy cập đường dẫn  https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/portal-report để gửi yêu câu cập nhật, chỉnh sửa thông tin. Một số trường hợp đã gửi phản hồi theo hướng dẫn nhưng vẫn không được xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19.

Vấn đề đặt ra là, liệu có phải do việc sử dụng và cấp Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 có nhiều bất nhất, không đúng theo hướng dẫn của Bô Y tế của nhiều đơn vị tiêm chủng đã dẫn tới hiện tượng như trên. Điều này sẽ là một khó khăn và trắc trở khi tới đây, mức độ phủ vaccine đã cơ bản thì việc cấp thẻ xanh vaccine cho người dân sẽ được thực hiện như thế nào, có đảm bảo được các quyền lợi và sự chính xác thông tin của người đã tiêm như quy định?

Việc tiêm vaccine vừa qua có cả người nước ngoài. Vậy, với cách sử dụng song ngữ (chuyển ngữ/dịch sang tiếng Anh) không thống nhất thì Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 có giá trị với họ? Trong trường hợp, những người nước ngoài trở về nước, liệu họ có sử dụng được những Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 do các cơ sở tiêm chủng của Việt Nam cấp tại đất nước của mình?

Thực tế, việc không thống nhất trong quản lý, sử dụng các loại thông tin và giấy tờ đã làm cho việc phòng, chống dịch Covid-19 của môt số đơn vị chưa được hiệu quả như mong đợi. Do đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 11/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ, giao Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm,…); kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Thủ tướng cũng yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là một văn bản hành chính, theo đó tất cả các đơn vị trực thuộc hoặc thực hiện các công việc được Bộ Y tế giao và quản lý đều phải có trách nhiệm phải tuân thủ các nội dung tại Văn bản này. Cụ thể đó là, công tác tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, trong đó có việc ban hành mẫu giấy xác nhận đã tiêm chủng.

Mẫu giấy xác nhận tiêm chủng vaccine có nhiều ý nghĩa trong tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn đang phức tạp và nhu cầu thực hiện mục tiêu kép vừa khống chế dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Đây có thể là căn cứ để các cơ quan chức năng xác định những người đã tiêm đủ vaccine nhằm có cơ chế cho phép tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông trên đường cho các đối tượng này.

Bởi thế, việc thống nhất mẫu giấy xác nhận đã tiêm chủng là cần thiết để công tác kiểm tra, giám sát và quản lý được dễ dàng, thuận tiện. Chính vì vậy, Bộ Y tế cần thực hiện ngay công tác kiểm tra, giám sát và nhắc nhở các cơ sở tiêm chủng thực hiện nghiêm các quy định về Mấu giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19.

THÀNH LONG - MINH TUẤN

Kiểm tra thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19 ở đâu?