Ảnh minh hoạ.
Chuyến xuất hành đầu năm Kỷ Hợi này, anh em chúng tôi không đi dự Lễ Khai ấn Đền Trần, bởi chúng tôi đâu cần ấn tín gì. Chúng tôi không đi dự Lễ hội Thề tại Đền Minh Thề bởi chúng tôi không có thói quen thề thốt bằng lời. Chúng tôi cũng không đi dự Lễ hội chùa Tam Chúc cho dù đó là “ngôi chùa lớn nhất thế giới”. Chúng tôi cũng không đi lễ cầu may bởi được còn sống để trở về đã là điều may mắn lớn nhất ở đời rồi. Hành trình đầu năm của anh em chúng tôi là trở lại miền đất Thạch Thành, Thanh Hóa, là cùng về dự đám giỗ chung của 6 Liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 25 Công binh, mặt trận 31.
Không ai bảo ai, anh em chúng tôi đều mang lễ phục và không ai đeo bất kỳ huân huy chương nào, mà chỉ gắn duy nhất một huy hiệu mà Trung ương Hội Cựu chiến binh nước bạn Lào trao tặng.
Chúng tôi rời khỏi thành phố từ lúc trời chưa sáng. Qua câu chuyện trên xe mới hay đêm qua, tất cả chúng tôi dường như không ai chợp mắt được. Không phải vì cần đi sớm, không chỉ vì háo hức gặp lại nhau mà như có tiểng thổn thức, bồn chồn, nghe như có tiếng búa, tiếng đục, đập, nổ trên công trường Đá Thà Khẹt; như có tiếng bom tọa độ năm ấy, như có khói, có xương, máu, đất đá... cùng bao ý nghĩ cùng ùa về... tất cả đều thao thức đợi đêm qua mau cho đến giờ lên đường. Rồi câu chuyện dần trầm xuống, xoay quanh cái buổi tối mà quả bom tọa độ đánh trúng hầm dân công D25 quê Thạch Thành, Thanh Hóa vào ngày 19/02/1973, rồi lại xoay quanh tên, họ những người chết chung trong quả bom ấy, rồi chuyện Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thúy đã tự tay gom nhặt từng mảnh vụn của các thi thể lẫn trong tro bụi, đất đá kia, và rồi theo anh Thúy: “tôi chỉ còn nhận cái đầu to và một cánh tay có hình xăm của thằng Tụng, rồi thì chẳng còn nhận ra ai khác nữa, tất cả lẫn lộn, tung tóe quanh miệng hố bom”.
Tác giả đứng trước ngôi mộ chung của 06 Liệt sĩ.
Rồi chuyện của tôi về ngôi mộ nhiều xương, chuyện giám định viên nhận ra hài cốt lẫn của 6 người qua nhận dạng... Cứ thế, thành phố lùi nhanh về phía sau, rồi Phủ Lý, Ninh Bình, chùa Bái Đính, ngã ba Rịa cũng lùi cả về phía sau. Đây rồi, Thác Voi, đoạn đèo dốc rất giống rừng bên Lào trên những thước đất đầu tiên của xã Thành Vân, huyện Thạch Thành.
Khi chúng tôi đến Thành Trực mới chỉ hơn 08h sáng. Nhưng đã đông đủ anh chị em cựu dân công D25 Công binh Thạch Thành, cựu dân công E866 từ Cẩm Thủy sang và có cả cựu chiến binh Trung đoàn 866, các lão Mế trong trang phục đồng bào Mường, anh em họ hàng, con cháu cùng bà con lối xóm.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Một không khí trang trọng, hoạt náo, đầm ấm với nào phông bạt, nào bàn ghế, nào loa đài... Tóm lại, gia đình và ban liên lạc Cựu chiến binh Dân công D25 tại Thạch Thành đã chuẩn bị cho một buổi lễ. Tôi cũng đã hơi nheo mày “giỗ sao lại hoành thế này? ”. Nhưng ngay sau đó đã biết rằng, hôm nay chúng ta cùng các gia đình làm giỗ chung cho cả 6 Liệt sĩ Thạch Thành cùng hy sinh hôm ấy, cùng hòa lẫn vào nhau sau quả bom tọa độ tối hôm ấy, giỗ cho cả 6 hình hài đã nằm chung trong một nấm mộ từ 46 năm qua mà tôi đã gặp lại các anh ấy vào ngày khai mộ lấy mẫu hài cốt ngày 03/12/2012. Bất chợt, nước mắt cứ ứa ra. Kệ, ở đây chúng tôi cùng đỏ hoe cả mắt, không phải giấu giếm quay đi, lén khóc như ở nhà.
Tới hơn 09h, buổi lễ giỗ bắt đầu. Trước tiên, chúng tôi cùng mặc niệm để tưởng nhớ cả 6 Liệt sĩ. Tất cả đứng lặng phăng phắc nhưng vẫn có tiếng khóc nỉ non đâu đó, những bờ vai rung lên. Thời khắc ấy, chị Bùi Thị Loan (vợ của Liệt sĩ Bùi Bình Khiết) run run rồi khụy xuống, mọi người đỡ chị ngồi xuống ghế phía trước, chị ôm mặt nức nở làm tất cả đều rơi lệ. Khi ấy, có lẽ chỉ mình tôi đã không mặc niệm mà vội lấy điện thoại ghi lại hình ảnh xúc động của người vợ Liệt sĩ đã 46 năm thờ chồng, chờ chồng tần tảo nuôi ba đứa con. Nay chị đã bước sang tuổi 76, lưng đã còng gập xuống đến nỗi chiều cao cũng chỉ còn chừng 1 mét. Dường như bao nỗi đau, niềm thương nhớ, xót xa, buồn tủi, bao vất, gian truân đã chất thành nhiều lớp trên tấm lưng còng ấy. Và rồi, lần lượt từng đoàn, từng đại diện lên thắp hương cho các anh, tưởng nhớ các anh, cho dù trên bàn thờ không có lấy một tấm hình nào của Liệt sĩ. Thời ấy, năm 1972, khi các anh ra trận, ở vùng quê Thạch Thành này thì làm sao có được ảnh mà lưu.
Trong khói nhang, chúng tôi đứng hàng ngang, như mỗi khi một mình đứng trước nấm mộ chung của cả 6 anh, hôm nay, trước ban thờ anh Khiết tôi đã cung thỉnh đủ tên cả 6 Liệt sĩ cùng về dự, cùng hiến hưởng với gia đình, vợ con, bà con chòm xóm và cũng các đồng đội của anh. Liệt sĩ Nguyễn Kỳ Anh, quê Quảng Tân, Thạch Quảng; Liệt sĩ Bùi Minh Khiết, quê Vọng Thủy, Thành Trực; Liệt sĩ Bùi Văn Sơn, quê Thạch Bằng, Thạch Cầm; Liệt sĩ Nguyễn Trung Tá, quê Định Tràng, Thành Trực; Liệt sĩ Bùi Văn Tụng, quê Thành Châu, Thành Công; Liệt sĩ Bùi Công Văn, quê Hà Phú, Thành Vinh.
Trước anh linh của 6 Liệt sĩ, tôi đã hứa với các anh, với gia tiên tiền tổ, với gia chung, với toàn thể mọi người rằng: “Năm nay sẽ có kết quả giám định ADN, sẽ xác nhận tên họ của các anh bằng công nghệ sinh học, và sẽ long trọng đón rước các anh về với quê hương Thạch Thành”.
Bà Bùi Thị Loan, vợ Liệt sĩ Bùi Minh Khiết.
Sau việc trao quà của các cựu chiến binh D25 Công binh là phần tọa đàm về các anh, về sự kiện hy sinh của các anh, về việc đích thân anh Nguyễn Văn Thúy, Trưởng Ban liên lạc Cựu quân tình nguyện D25 Công binh, người chỉ huy trực tiếp tiểu đội dân công ngày ấy - người đã suýt có tên trong danh sách này, anh là người thoát chết vào những phút cuối cùng trước khi bom rơi trúng hầm, chính anh là người gom nhặt từng phần thi thể còn sót lại của cả 6 đồng đội rồi an táng vào sáng 20/01/1973.
Tiếp đến quá trình diễn biến của việc mất tên họ của các Liệt sĩ để dẫn đến việc kết nối, tìm kiếm gia đình và nguồn gen phục vụ cho quá trình giám định ADN xác định lại danh tính hài cốt Liệt sĩ của mặt trận 31, rồi đến sự gắn kết của các gia đình cùng Ban Liên lạc thân nhân liệt sỹ Mặt trận 31, để rồi mọi gia đình đã gắn bó với nhau như ruột thịt, yêu thương chia sẻ cho nhau như người một nhà. Dường như tất cả chúng tôi đã khóc vì những điều này. Nhưng, những giọt nước mắt của hôm nay như đã vơi đi những nỗi đau và đang dần thay bằng niềm tin, bằng tình yêu thương, bằng ánh sáng của nghĩa tình. Tôi đã khảng khái trước buổi lễ rằng: “Ngày đón cả 6 Liệt sĩ của Thạch Thành về với quê hương sẽ là một ngày trọng đại không riêng của miền đất Thạch Thành” mà sẽ là một sự kiện lớn. Một thành tựu lớn lao của khoa học nhận dạng bằng công nghệ, cộng với ký ức của những cựu chiến binh, của đồng đội. Nếu cùng đợt mà có được thêm Liệt sĩ, nữ dân công Bùi Thị Nụ bên Đông chủ, Thạch Công về cùng một lượt thì coi như chúng ta đã hoàn thành tâm nguyện với các Liệt sĩ D25 Công binh của Thạch Thành. Đại diện của chính quyền xã Thành Trực đã đáp lời trong nước mắt, lời phát biểu bị ngắt quãng bởi những xúc động từ trong lòng của thế hệ trẻ trước những cảm nhận về lớp cha anh, về những hy sinh mất mát.
Khi sắp mâm cỗ, gia đình đã trân trọng xếp các cựu chiến binh chúng tôi ngồi “chiếu giữa” cùng người chú của Liệt sĩ Bùi Minh Khiết ngay trước ban thờ, cùng các lãnh đạo xã và Nguyễn Văn Tam, người cháu của Liệt sĩ Bùi Minh Khiết là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thành.
Trong câu chuyện với người chú của Liệt sĩ, một chi tiết làm tôi chột dạ: “Báo cáo với các anh, hôm nay, nhân dịp giỗ đầu của cháu Khiết và cũng là ngày giỗ đầu của cả 6 Liệt sĩ của đất Thạch Thành này”. Dường như hiểu ý thắc mắc của tôi, ông cụ tiếp lời: “Từ cả 45 năm nay, chúng tôi không biết chính xác ngày hy sinh của cháu. Tất cả các nhà đều làm giỗ vào ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 hàng năm các anh ạ. Đây là lần đầu tiên, các gia đình chúng tôi được làm giỗ đúng ngày đấy”. Tôi chợt thấy mình có lỗi, không lường đến tình huống này. Cứ đinh ninh là gia đình đã biết đích xác ngày hy sinh để mà làm giỗ đúng ngày như một sự mặc định rồi. Ai dè lại ra nông nỗi này! Tôi đã thầm xin lỗi các anh và kịp thời điều chỉnh thông tin chính xác cho cả sáu gia đình là: Cả 6 Liệt sĩ cùng hy sinh vào lúc 19h30 tối 19/02/1973, tức ngày 17 tháng Giêng năm Quý sửu. Tức là ngày giỗ hàng năm của các anh sẽ là ngày 17 tháng Giêng.
Và rồi chúng tôi cũng lại phải bịn rịn chia tay các cựu dân công, các cựu chiến binh, chia tay gia đình thân nhân để tiếp tục đi thăm các gia đình cựu dân công D25 đang bị ốm, bị tai biến và mới qua đời nữa…
Anh em chúng tôi rời Thạch Thành khi trời đã về chiều, lòng dạ như nhẹ hơn, như thanh thản hơn dù tất cả đều mệt nhoài. Trong xe, nhiều lúc như lặng đi vì mệt lả. Người thì ôm ngực vì bệnh đường hô hấp, người thì không giơ được tay lên cao vì đau, người thì tóc đã bạc phơ, còn tôi nghiến răng day ngực, tự bấm huyệt cho dịu cái "máy bơm máu". Khi anh Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hiểu tâm sự: “Không biết liệu có còn đi được lần nào nữa không”? Không ai nói ra nhưng ai cùng giữ cho mình ý nghĩ: Có lẽ chuyến tàu cuộc đời đã đưa chúng tôi về gần hơn những ga cuối của mỗi hành trình. Rồi cũng sẽ đến một ngày kia ta lặng lẽ chào nhau, tiễn nhau khi đến “ga” cuối cùng. Nhưng cho dù thế, còn ngày nào trên chuyến tàu ấy, còn ngày nào trước khi kết thúc hành trình, mỗi chúng tôi vẫn sẽ cố gắng bằng tất cả những gì có thể để làm vui hơn, yên lòng hơn những người đang sống, để người dưới mộ được ngậm cười và cũng là để nhẹ lòng của người mang “nợ” những đồng đội đã không trở về, đã ngã xuống, đã nằm lại, đã gần nữa thế kỷ chìm nổi với chính tên họ của mình. Bởi, cuối cùng thì tất cả cũng lại trở về với hư vô, chỉ có tình người là còn mãi với thời gian.
Hà Nội, đêm ngày22/02/2019.
TRẦN ĐÌNH HUÂN