Đơn thư của các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại khu vực đầm vùng Cồn Vành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình gửi đến Toà soạn Tạp chí Luật sư Việt Nam.
Từ nội dung vụ việctheo đơn phản ánh
Theo đó, 12 hộ dân là những người trực tiếp nuôi trồng thủy sản tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình từ những năm 2001 (đa số trong đó là những hộ từ đời ông cha đã nuôi trồng thủy sản từ những năm 1990). Trong đó, có 10/12 chủ đầm cùng ký hợp đồng đấu đầm quản lý khai thác đầm vùng với Chủ tịch UBND xã Nam Phú từ năm 2001 tới cuối năm 2013.
Sau khi hết thời hạn thuê theo hợp đồng trên, các hộ dân vẫn tiếp tục cải tạo đắp đường, đắp bờ, dọn dẹp cây cối thau chua rửa mặt, kéo điện về từng đầm để phục vụ nuôi trồng thủy sản tăng năng suất, hiện đại văn minh dưới sự quản lý, động viên của chính quyền địa phương xã Nam Phú. Họ đóng tiền thuê đất hàng năm cho tới đầu năm 2023 thì nhận được thông báo bàn giao đầm của UBND xã Nam Phú.
Sau khi nhận được thông báo bàn giao đầm vùng (từ cuối tháng 02/2023 cho tới tháng 3/2023 hoặc tháng 6/2023), những hộ dân nơi đây đã ngay lập tức gửi nhiều đơn kiến nghị, đơn trình bày tới các cấp chính quyền xã Nam Phú, huyện Tiền Hải để trình bày sự việc.
Trong đơn gửi đến Tòa soạn, theo những hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản nơi đây thực tế đã cải tạo, đã thả giống thủy sản theo thông lệ hàng năm từ tháng 12/2022, tháng 01, 02/2023; các hộ dân có mong muốn tiếp tục nuôi trồng thủy hải sản; trường hợp thu hồi thì các hộ dân sẽ chấp hành nhưng để thu hoạch xong thủy hải sản (khoảng tháng 8, 9, 10, 11/2023) và sau khi nhận được bồi thường theo đúng quy định các hộ dân sẽ bàn giao theo đúng chủ trương của Nhà nước, tuy nhiên cho tới tận thời điểm hiện tại các hộ dân không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các cơ quan. Ngoài ra, người dân còn phản ánh về việc các văn bản, biên bản, thông báo của UBND xã Nam Phú, UBND huyện Tiền Hải đều không có căn cứ chính xác, không rõ ràng, đặc biệt là các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đất của các hộ dân là không có cơ sở.
Những hộ dân gửi đơn thư đến cơ quan chức năng và các cơ quan thông tấn, báo chí trình bày những nội dung sau: Thứ nhất,các hộ dân (10/12 hộ) sử dụng diện tích đất nông nghiệp tại khu đầm Cồn Vành từ cuối năm 2013 tới nay để nuôi trồng thủy hải sản dù không có hợp đồng bằng văn bản nhưng hợp pháp, đúng quy định pháp luật, không chiếm đất vì có đóng tiền thuê hàng năm.
Sau khi hết hạn hợp đồng đấu thầu ban đầu theo đề án của UBND huyện Tiền Hải, UBND xã Nam Phú đã thanh lý các hợp đồng trên và không trực tiếp ký gia hạn tiếp theo. Tuy nhiên, đại diện đầm là các hộ dân vẫn tiếp tục được nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích trên và đóng tiền thuê đầm cho UBND xã Nam Phú mỗi năm một lần từ năm 2014 cho tới hết 2022 (có phiếu thu của UBND xã Nam Phú).
Sau khi hết hạn hợp đồng đấu thầu, các hộ dân vẫn tiếp tục được nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích trên và đóng “tiền thuê đầm” cho UBND xã Nam Phú mỗi năm một lần và có phiếu thu.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Văn Thông (sinh năm1974, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bức xúc cho biết: “Từ thời xa xưa, khi UBND tỉnh Thái Bình, UBND huyện Tiền Hải vận động bà con vượt lũ, đắp đê làm kinh tế biển. Từ đất bãi bồi ngổn ngang bị ngập mặn, chua phèn, bà con các hộ dân người Thái Bình, người Nam Định gần đó đã cùng nhau cải tạo đất, đắp bờ thau chua rửa mặn, dù thời tiết khắc nghiệt bão lụt, thiên tai dịch bệnh các hộ dân đã cùng nhau vượt qua khắc khổ đầu tư hàng chục tỉ đồng để hình thành khu vùng đầm được khang trang, có điện sử dụng, có đường để đi, có đê to đẹp như hiện nay phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Thái Bình nói riêng, bây giờ bụp một cái bảo thu là thu sao được, tiền bạc, của cái, cuộc sống mưu sinh của chúng tôi nuôi sống hằng trăm nhân khẩu qua bao thế hệ…”.
Nói về việc thuê đầm từ khi hợp đồng đấu thầu hết hạn, ông Phan Văn Cường (sinh năm 1963, trú tại Xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bất bình cho biết: “Hàng năm các hộ dân làm đầm đều nhận được giấy mời tới trụ sở UBND xã Nam Phú để hội nghị bàn bạc về kế hoạch thu tiền thuê đầm do Chủ tịch UBND xã ký, như vậy dù không có văn bản hợp đồng nhưng qua những buổi công khai họp với UBND xã, phiếu thu tiền thuê đầm của UBND xã, đây chính là minh chứng cho sự thỏa thuận công khai cho thuê quyền sử dụng đất hợp pháp. Vì vậy, việc gia đình các hộ dân và các hộ dân làm đầm để nuôi trồng thủy sản là sự thỏa thuận thống nhất giữa cơ quan Nhà nước và các hộ dân, sử dụng hợp pháp, không lấn không chiếm đất của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
Thứ hai, người dân không đồng ý với các thông báo bàn giao đất vùng, đầm thuê đã hết thời hạn của UBND xã Nam Phú vì không đúng thẩm quyền, không có căn cứ pháp lý.
Theo đó, thông báo bàn giao 03 lần của UBND xã Nam Phú về việc bàn giao đất vùng, đầm thuê đã hết thời hạn (cuối tháng 02, 3/2023, một số hộ có thông báo tháng 6/2023) đều thể hiện việc yêu cầu hộ dân thu dọn tài sản, con vật nuôi và bàn giao đầm cho UBND xã quản lý bởi căn cứ vào Văn bản số 1222/UBND-CTXDGT ngày 17/4/2018 của UBND tỉnh Thái Bình về việc quản lý hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn huyện Tiền Hải thuộc Khu kinh tế Thái Bình; Văn bản 390/UBND-NNTNMT ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Thái Bình về việc xử lý các vấn đề liên quan đến di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản không phép;căn cứ hợp đồng đấu thầu quản lý khai thác đầm vùng năm 2001 đã hết hạn từ năm 2013 (hoặc hết hạn 2022).
Cho tới thời điểm nhận được thông báo bàn giao vùng đầm, 10/12 hộ vẫn đang đóng tiền thuê cho Nhà nước (có phiếu thu). Tại Văn bản số 933/UBND-TNMT của UBND huyện Tiền Hải ngày 02/6/2023 trả lời đề nghị của công dân trong đó có đã nêu: “Căn cứ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Tiền Hải đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 2594/QĐ-UBND ngày 26/11/2021, vị trí khu đất các hộ đang sử dụng để nuôi trồng thủy sản được quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ.
Để thực hiện quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình, ngày 17/4/2018, UBND tỉnh Thái Bình có Văn bản chỉ đạo số 122/UBND-CTXDGT yêu cầu UBND huyện Tiền Hải tổ chức kiểm tra, rà soát, không gia hạn hợp đồng thuê đất, không cấp phép đầu tư xây dựng công trình cho các tổ chức, cá nhân hiện đang thuê đất tại các xã thuộc ranh giới Khu kinh tế. Nhưng những văn bản quy hoạch từ 2018, 2019, 2021, người dân làm đầm không hề được biết, chính quyền địa phương vẫn thu tiền thuê hàng năm và động viên cải tạo đầu tư tiếp xúc dân trực tiếp hàng năm nhưng không hề thông báo”.
Ngoài ra, người dân cũng không đồng ý việc đất đang sử dụng hợp pháp, đóng tiền thuê hàng năm nhưng văn bản của UBND xã Nam Phú thể hiện đất sử dụng không phép, đã hết hạn sử dụng và hiện nay các hộ dân chưa nhận được bất kỳ quyết định thu hồi đất, thông báo thu hồi nào nhưng lại có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đấtlà không đúng pháp luật.
Người dân cũng không đồng ý việc phần diện tích đất tự khai hoang của một số hộ nhưng bị coi là chiếm vì theo họ ngoài phần diện tích được giao theo hợp đồng, trên thực tế nhiều hộ đầm đã tự khai hoang lấn biển, đắp bờ, để nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế biển của huyện Tiền Hải nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung. Khi tỉnh có phê duyệt quy hoạch, gia đình các hộ dân sẽ rất phối hợp với cơ quan chức năng để bàn giao sau khi nhận đền bù, hỗ trợ, công sức theo đúng quy định. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích các gia đình tự khai hoang đầu tư khi có biên bản kiểm tra diện tích của cơ quan địa phương cũng không hề có quan điểm, văn bản phương án xử lý đối với toàn bộ diện tích khai hoang trên. Mà các văn bản, quyết định xử phạt chỉ dẫn chiếu diện tích theo hợp đồng là thiệt thòi, không xứng đáng với công sức theo quy định Luật Đất đai 2013.
Các hộ dân bức xúc vì đầm họ đang được thả và nuôi trồng thủy hải sản hằng năm và có nộp tiền thuê đất bỗng nhiên bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thông báo yêu cầu bàn giao đất lấn chiếm.
Trong đơn các hộ dân cũng đề cập đến vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi, theo người dân khi Nhà nước thu hồi đất, ngoài bồi thường công sức đóng góp vào đất, tài sản trên đất thì việc bồi thường về đất là khoản chính đáng mà các hộ dân các hộ dân được hưởng.
Qua đơn thư gửi đến cơ quan chức năng cũng như truyền thông, báo chí, người dân mong muốn chính quyền địa phương thu hồi lại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thông báo yêu cầu bàn giao đất lấn chiếm, của các hộ dân tại khu vực đầm Cồn Vành, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đồng thời, xem xét và tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp tục nuôi trồng thủy hải sản để thu hoạch hết con giống đã thả nuôi từ cuối 2022, dự kiến tháng 11/2023 sẽ thu hoạch xong. Khi diện tích đất nuôi trồng của các hộ dân thuộc đất quy hoạch khu kinh tế, các hộ dân nghiêm chỉnh chấp hành bàn giao nhưng đề nghị được bồi thường về đất, công sức cải tạo đất, tài sản trên đất và mức hỗ trợ công ăn việc làm,… theo đúng quy định chính đáng.
Các hộ dân hy vọng được các cấp chính quyền quan tâm để người dân các hộ dân đã cha truyền con nối sống bằng nghề nuôi trồng hải sản tại địa phương có cuộc sống ổn định lâu dài nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đóng góp vào sự phát triển của địa phương nói riêng, tỉnh nói chung.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đặng Văn Khương,Chủ tịch UBND xã Nam Phú, huyện Tiền Hải cho biết: “Diện tích đất của 10 hộ dân trên là đất nuôi trồng thủy sản chứ không phải đất nông nghiệp và hết hạn vào ngày 30/11/2013, không gia hạn và không hợp đồng cho thuê. Từ năm 2013 - 2022, khi hết hạn hợp đồng, mỗi năm,UBND xã Nam Phú thu 2.500.000 VNĐ/ha đây là tận dụng, “thu tự nguyện” nhằm đóng góp đảm bảo an ninh, chính trị, công bằng xã hội,... Điều này do linh động của địa phương chứ không áp dụng vào văn bản quy định pháp luật nào hay văn bản chỉ đạo của tỉnh Thái Bình hay của huyện Tiền Hải. Còn về quyết định vi phạm hành chính do UBND tỉnh Thái Bình ban hành là đúng vì ngày trước, lúc đấu thì tỉnh quản lý về mặt đất đai, xã chỉ đứng ra cho đấu thầu và giao đất, sau đó huyện ra quyết định cho chủ thầu. Vì không có quyết định giao đất, chỉ có quyết định chủ thầu nên giờ không có quyết định thu hồi đất...”.
Sau khi nhận đầm, người dân đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để tự khai hoang lấn biển, đắp bờ, để nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế.
Góc nhìn và quan điểm Luật sư từ hồ sơ vụ việc
Liên quan về vấn đề trên, từ hồ sơ vụ việc và những thông tin được cung cấp,theo Luật sư Nguyễn Ngọc Ánh,Đoàn Luật sư thành Phố Hà Nội, về nội dung dù không có hợp đồng bằng văn bản nhưng có đóng tiền thuê hàng năm,Điều 34 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 quy định: “Tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp; gia hạn thời hạn sử dụng đất hoặc thu hồi đất khi hết thời hạn sử dụng.
1. Khi hết thời hạn sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng, nhận chuyển quyền sử dụng được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật Đất đai, trừ trường hợp Nhà nước có quyết định thu hồi đất quy định tại các khoản 1, 4, 7, 8 và 11 Điều 38 của Luật Đất đai”.
Khoản 1, 4, 7, 8 và 11 Điều 38 Luật Đất đai 2003 quy định các trường hợp: Nhà nước thu hồi, cố ý hủy hoại đất, cá nhân sử dụng chết không có người thừa kế,…Mặt khác, nhiều hộ dân cho ý kiến rằng họ cũng không nhớ có ký văn bản thanh lý hợp đồng hay không, nhưng có giấy mời và phiếu thu tiền hàng năm tiền thuê đất của UBND xã Nam Phú. Dù việc thuê đất được xác nhận trao quyền cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất thông qua hợp đồng cho thuê, tuy nhiên với những trường hợp này, dù không có hợp đồng thuê nhưng có đóng tiền thuê của cơ quan quản lý địa phương (phiếu thu tiền của UBND)và quy định về việc cho thuê, kiểm kê đất đai, quản lý tài chính về đất đai (theo Điều 2 Nghị định 142/2005/NĐ-CP, Điều 2 Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất) với thời gian kéo dài (khoảng 10 năm) mà không có bất kỳ tranh chấp, khiếu nại khiếu kiện gì thì có thể cho rằng đây chính là sự thỏa thuận thuê sử dụng giữa UBND xã và các hộ dân nuôi trồng trực tiếp tại đây.Về nội dung các thông báo bàn giao đất vùng, đầm thuê đã hết thời hạn của UBND xã Nam Phú.Luật Đất đai 2013 không quy định thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp xã.
Liên quan đến việc người dân chưa nhận được bất kỳ quyết định thu hồi đất, thông báo thu hồi nào nhưng lại có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đất, theo Luật sư Ánh căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về các trường hợp chiếm đất như sau: “Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép; Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp) (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP); Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2013 quy định về thông báo thu hồi đất thì: “Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm”.
Như vậy, việc các hộ dân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, không nhận được thông báo, quyết định thu hồi và đang tiếp tục nuôi trồng thủy sản theo tiến độ nuôi trồng thông thường tại khu vực bị coi là chiếm đất là không có cơ sở.
Về vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, Luật sư Nguyễn Ngọc Ánh cho biết thêm: Khi Nhà nước thu hồi đất, ngoài bồi thường công sức đóng góp vào đất, tài sản trên đất thì việc bồi thường về đất là khoản chính đáng mà các hộ dân được hưởng.
Theo quy định khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện được bồi thường về đất khi thu hồi đất thì: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp”.
Từ khi nhận đầm, người dân đã chú trọng bảo vệ, trồng thêm cây cối phát triển hệ sinh thái biển.
Khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
“Điều 77. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân...
Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này”.
Như vậy, dù quy định về điều kiện bồi thường về đất (Điều 75 Luật Đất đai) thì vẫn có loại trừ trường hợp theo khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai. Và theo khoản 2 Điều 77 thì đối với đất nông nghiệp như người dân nơi đây đã sử dụng trước ngày 01/7/2004 mà người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế nhưng không vượt quá hạn mức giao đất.
PV