Biểu tượng của Google trên màn hình máy tính bảng. Ảnh: AFP/TTXVN.
Google nêu rõ việc cắt giảm phí chỉ áp dụng đối với người tiêu dùng tại châu Âu. Động thái này cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của Google kể từ năm ngoái khi hãng này bày tỏ thiện chí với các quy định của các cơ quan quản lý và liên tục vướng vào các vụ rắc rối liên quan đến chống độc quyền.
Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) dự kiến có hiệu lực vào năm tới, theo đó yêu cầu các "gã khổng lồ" công nghệ cho phép các nhà phát triển ứng dụng sử dụng nền tảng thanh toán bên ngoài hệ thống của các hãng công nghệ để bán ứng dụng hoặc phải chịu mức phạt 10% tổng doanh thu của công ty trên toàn cầu. Apple và Google bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quy định này.
Bà Estelle Werth, Giám đốc chính sách công và các vấn đề chính phủ tại EU của Google, cho biết hãng sẽ công bố một chương trình để hỗ trợ các sự lựa chọn thay thế cho khách hàng ở Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) như một phần trong nỗ lực tuân thủ các quy tắc mới của EU.
Bà nhấn mạnh sự điều chỉnh mới của Google đồng nghĩa với việc các nhà phát triển ứng dụng không phải trò chơi có thể cung cấp cho khách hàng của mình tại EEA một giải pháp thanh toán thay thế cho hệ thống thanh toán trên Google Play khi họ thanh toán cho các dịch vụ và nội dung kỹ thuật số. Bà Werth cho biết khi khách hàng sử dụng hệ thống thanh toán thay thế, phí dịch vụ mà nhà phát triển phải trả sẽ giảm 3%, từ mức 15%.
Trong một thập kỷ qua, Google đã phải chịu nhiều mức phạt của EU liên quan đến các hoạt động cạnh tranh không công bằng và cáo buộc độc quyền trước các đối thủ nhỏ hơn tại châu Âu với tổng mức phạt lên tới hơn 8 tỉ euro (8,19 tỉ USD).
HOA LÊ/TTXVN
Những lưu ý thí sinh cần chuẩn bị trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2022