Biểu tượng Google. Ảnh: AFP/TTXVN.
Luật sư Kenneth Dintzer của Bộ Tư pháp cho biết vụ việc này liên quan đến tương lai của Internet và liệu Google có phải đối mặt với sự cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm hay không. Luật sư Dintzer cho biết tập đoàn công nghệ này từ năm 2010 đã bắt đầu “duy trì trái phép” thế độc quyền mà họ đã thiết lập. Ông nói thêm rằng Google hiện chiếm khoảng 89% thị trường tìm kiếm trên Internet.
Trong hơn 10 tuần với hàng chục nhân chứng được gọi đến tòa, Google cố gắng thuyết phục Thẩm phán Amit P. Mehta rằng vụ việc do Bộ Tư pháp đưa ra là không có căn cứ.
Luật sư John Schmidtlein của Google lập luận trước tòa rằng Google đã đổi mới và cải tiến công cụ tìm kiếm của mình trong nhiều thập niên, các nguyên đơn không thể bỏ qua điều này.
Đây là phiên tòa đầu tiên các công tố viên Mỹ đối đầu trực diện với một công ty công nghệ lớn kể từ khi Microsoft bị nhắm đến hơn 20 năm trước vì sự thống trị của hệ điều hành Windows.
Vụ kiện của Google tập trung vào sự tranh cãi của chính phủ rằng "gã khổng lồ" công nghệ này đã giành được sự thống trị trong tìm kiếm trực tuyến một cách không công bằng khiến các đối thủ không có cơ hội cạnh tranh.
Luật sư Dintzer nói với Thẩm phán Mehta rằng Google trả 10 tỉ USD mỗi năm cho Apple và những hãng khác để đảm bảo trạng thái mặc định của công cụ tìm kiếm trên điện thoại và trình duyệt web, qua đó “vùi dập” những công ty mới nổi trước khi họ có cơ hội phát triển.
Sự thống trị đó đã đưa Alphabet, công ty mẹ của Google, trở thành một trong những công ty giàu nhất thế giới, với quảng cáo tìm kiếm tạo ra gần 60% doanh thu của công ty, lấn át thu nhập từ các hoạt động khác như YouTube hay điện thoại Android.
Google kiên quyết bác bỏ cáo buộc của Mỹ khi cho rằng công cụ tìm kiếm của họ thành công nhờ chất lượng và những khoản đầu tư khổng lồ được thực hiện trong nhiều năm.
Những nạn nhân trong vụ kiện này là các công cụ tìm kiếm đối thủ vẫn chưa giành được thị phần đáng kể cho mảng tìm kiếm hoặc quảng cáo tìm kiếm so với Google, như Bing và DuckDuckGo của Microsoft.
Google vẫn là công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới, chiếm 90% thị trường ở Mỹ và trên toàn cầu, phần lớn trong số đó đến từ việc sử dụng điện thoại di động trên iPhone và điện thoại chạy trên Android do Google sở hữu.
Thẩm phán Mehta sẽ đưa ra phán quyết trong vài tháng tới sau khoảng ba tháng điều trần.
MINH HẰNG/TTXVN