/ Tin thế giới
/ Google, Facebook cẩn trọng với các quảng cáo liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ

Google, Facebook cẩn trọng với các quảng cáo liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ

05/01/2021 18:11 |

(LSO) – Google thông báo tới các hãng quảng cáo về việc “các công ty này sẽ không thể triển khai các đoạn quảng cáo liên quan đến những ứng cử viên, cuộc bầu cử hay kết quả bỏ phiếu”. Facebook thì cho biết sẽ dừng việc chấp thuận các đoạn quảng cáo chính trị mới trong tuần trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Ảnh minh họa.

Hôm 25/9, Google thông báo sẽ chặn các quảng cáo liên quan đến bầu cử trên mọi nền tảng của hãng sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 3/11 tới.

Trong thông báo gửi tới các hãng quảng cáo, Google cho biết “các công ty này sẽ không thể triển khai các đoạn quảng cáo liên quan đến những ứng cử viên, cuộc bầu cử hay kết quả bỏ phiếu”.

Trước đó, các chuyên gia cảnh báo kết quả bỏ phiếu có thể bị trì hoãn do sự gia tăng của hoạt động bỏ phiếu qua thư. Google cũng thông báo sẽ cấm các đoạn quảng cáo về bầu cử, bao gồm việc đề cập tới các ứng cử viên, các đảng.

Lệnh cấm mới sẽ được kéo dài trong ít nhất 1 tuần và hiện Google chưa thông báo thời điểm rút lại lệnh cấm này.

Hiện các công ty truyền thông xã hội Mỹ đang đối diện với sức ép ngày càng lớn liên quan đến việc giám sát những thông tin sai lệch về quảng cáo chính trị.

Mới đây, Facebook cho biết sẽ dừng việc chấp thuận các đoạn quảng cáo chính trị mới trong tuần trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cũng như từ chối các đoạn quảng cáo có nội dung về tuyên bố chiến thắng trước khi kết quả chính thức được công bố. Trong một động thái khác, Facebook cũng đang đẩy mạnh giám sát nội dung trước thềm bầu cử Mỹ. Theo thông báo hôm 24/9, Facebook cho biết ủy ban giám sát, cơ quan ra quyết định cuối cùng về nội dung chia sẻ trên mạng xã hội này, sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10 tới, khoảng một tháng trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 diễn ra.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại khả năng các thông tin giả mạo và xuyên tạc gia tăng trong thời điểm nước Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử quan trọng này.

Facebook cho biết công ty hiện đang thử nghiệm các hệ thống kỹ thuật mới triển khai cho phép người dùng khiếu nại, từ đó ủy ban giám sát sẽ xem xét và quyết định dỡ bỏ hoặc giữ lại nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội này. Nếu các bước thử nghiệm diễn ra đúng dự kiến, ủy ban trên sẽ chính thức hoạt động và xem xét các kháng nghị của người dùng từ giữa đến cuối tháng 10 tới.

Hiện các thành viên của Facebook đang tích cực chuẩn bị để triển khai ủy ban này sớm nhất có thể vì để xây dựng một quy trình xuyên suốt, có nguyên tắc và hiệu quả trên toàn cầu.

Việc triển khai một Ủy ban gồm các chuyên gia có trách nhiệm ra “phán quyết” cuối cùng về các nội dung đăng tải trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh này là ý tưởng của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đề xuất năm 2018, gọi đây là “Tòa án tối cao” có quyền bác bỏ những quyết định trước đó của chính công ty này. Hồi đầu năm nay, công ty đã chỉ định 20 thành viên ban đầu của ủy ban và dự định nâng số thành viên lên 40 trong tương lai.

Các thành viên đến từ nhiều quốc gia, bao gồm cả các chuyên viên luật pháp, nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, một chủ nhân giải Nobel hòa bình và một cựu Thủ tướng Đan Mạch. Facebook đã thành lập một quỹ độc lập để vận hành ủy ban này. Công ty cũng đang hoàn thiện phần mềm cho phép các thành viên ủy ban đánh giá các vụ việc từ mọi nơi trên thế giới.

LÊ HÙNG(t/h)

/fbi-tin-tac-tu-nhieu-quoc-gia-nham-vao-cac-nghien-cuu-lien-quan-den-dich-covid-19.html