/ Tin tức
/ Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT: Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh mới tạo sức hút “giữ chân” bệnh nhân

Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT: Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh mới tạo sức hút “giữ chân” bệnh nhân

28/10/2024 15:53 |

(LSVN) - Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp và biểu quyết thông qua việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Trong đó, với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế đã bổ sung, hoàn thiện các nội dung cần thiết, cấp bách, bảo đảm thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.

Phóng viên đã có buổi trao đổi với Luật gia Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Hệ thống y tế Hùng Vương về một số nội dung xung quanh vấn đề này.

Phóng viên:Là người nghiên cứu và tham dự các phiên hội thảo, lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia và giải trình của ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, ông có ý kiến như thế nào về mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT...?

Ông Phạm Văn Học: Để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới BHYT toàn dân, đối với quy định mức đóng theo hộ gia đình, tôi hoàn toàn đồng tình với dự thảo về mức đóng giảm dần trong trường hợp mua BHYT theo hộ gia đình, cụ thể người thứ nhất mua 100 % người thứ hai 70 % người thứ ba 60% người thứ tư 50% từ người thứ năm 40% . Tuy nhiên để đảm bảo tính công bằng giữa những người mua BHYT, đề xuất phần còn lại do ngân sách nhà nước sẽ chi bù chi không thể để những người mua 100 % bù đắp cho nhóm người được giảm theo hộ gia đình .

Luật gia Phạm Văn Học, Tổng giám đốc Hệ thống Y tế Hùng Vương.

Luật gia Phạm Văn Học, Tổng giám đốc Hệ thống Y tế Hùng Vương.

Phóng viên:Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, quan điểm của ông về trách nhiệm đóng bảo hiểm của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động theo dự thảo Luật?

Ông Phạm Văn Học: Về trách nhiệm đóng bảo hiểm trong doanh nghiệp , theo dự thảo thì người lao động đóng 1/3, chủ sử dụng lao động đóng 2/3. Quy định như vậy là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Bởi vì hiện nay các doanh nghiệp/ chủ sử dụng lao động đang phải chịu rất nhiều nghĩa vụ tài chính, nếu để người sử dụng lao động phải đóng 2/3 trong khi quyền lợi thì người lao động được hưởng 100 % là chưa hợp lý. Theo tôi cần quy định doanh nghiệp (người sử dụng lao động) đóng phí 50% còn lại người lao động tự đóng, hoặc người lao động đóng 70 % người sử dụng lao động 30 % .

Phóng viên:Được biết, hiện nay Hệ thống y tế Hùng Vương cũng đang thực hiện công tác KCB – BHYT, trong đó có tiếp nhận cả bệnh nhân KCB có thẻ BHYT nhưng trái tuyến, vậy quan điểm của ông về việc bệnh nhân được hưởng 100/% quyền lợi BHYT khi khám chữa bệnh trái tuyến được quy định tại điểm a khoản 3 điều 22 Luật BHYT?

Ông Phạm Văn Học: Về cơ bản điều khoản này vẫn kế thừa quan điểm đã được xây dựng và thực hiện trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014. Khi đi khám chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở các cơ sở y tế không có giường bệnh nội trú, trạm y tế phường xã, thị trấn … các bệnh viện huyện, quận, thị xã, các bệnh viện thuộc bộ ngành, bệnh viện tư nhân được Bộ Y tế xác định tương đương bệnh viện huyện… thì người bệnh sẽ được hưởng 100% quyền lợi theo mức hưởng ghi trên mã thẻ. Điều này thể hiện chính sách cho phép khám chữa bệnh “Thông tuyến” từ cấp huyện trở xuống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các cơ sở y tế. Tuy nhiên theo quy định tại điều 104 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) năm 2023 thì hệ thống cơ sở khám chữa bệnh (KCB) được thiết kế gồm ba cấp chuyên môn kỹ thuật: Ban đầu, cơ bản và chuyên sâu, từ quy định này đã xuất hiện hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Luật KBCB đã thiết kế hệ thống các cơ sở KCB bao gồm ba cấp ban đầu, cơ bản và chuyên sâu nên Luật BHYT cũng phải sửa đổi cho phù hợp với ba cấp tương đương như Luật KBCB đã có hiệu lực. Theo Điều 89 Nghị định 96/2023/NĐ-CP thì cấp ban đầu sẽ bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh không có giường nội trú, cấp cơ bản và chuyên sâu bao gồm tất cả các bệnh viện, Trung tâm Y tế, từ bệnh viện huyện, tỉnh, TW, bệnh viện thuộc bộ ngành và bệnh viện tư nhân. Việc này đặt ra yêu cầu Luật BHYT phải phân chia và quy định cụ thể chỉ những cơ sở KCB tương đương với bệnh viện cấp huyện trở xuống mới được áp dụng chính sách thông tuyến. Có nghĩa là cần giữ nguyên mức độ thông tuyến như hiện nay, tức là chỉ thông tuyến cả ngoại trú và nội trú đến tuyến huyện, còn đối với tuyến tỉnh chỉ thông tuyến nội trú.

Hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 1,5 Tesla tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Phú Thọ.

Hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 1,5 Tesla tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Phú Thọ.

Quan điểm thứ hai: Việc Luật KCB năm 2023 phân chia ba cấp bao gồm ban đầu, cơ bản và chuyên sâu không chỉ nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống các cơ sở khám bệnh chữa bệnh khoa học, phù hợp với chuẩn năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ cho xã hội, nhưng khả năng tiếp nhận người bệnh, chi trả quyền lợi BHYT cũng cần căn cứ vào việc phân bố dân cư, địa giới hành chính, nhu cầu khám chữa bệnh và các điều kiện kinh tế, xã hội khác. Trên thực tế hiện nay, bộ máy hành chính ở Việt Nam đang tồn tại bốn cấp gồm xã, huyện, tỉnh và trung ương tương đương với bộ máy hành chính, hệ thống y tế cũng đang phân bố, tồn tại bốn cấp, ở mỗi xã có ít nhất một trạm y tế, mỗi huyện ít nhất một bệnh viện hoặc trung tâm y tế cấp huyện, mỗi tỉnh bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, bệnh viện khu vực và ở trung ương có các bệnh viện chuyên sâu, tuyến cuối. Hệ thống Y tế được phân chia thành bốn cấp tương đương địa giới hành chính như vậy trên thực tế đã và đang phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Do vậy cũng cần thông tuyến cả nội trú và ngoại trú từ tuyến tỉnh trở xuống,bao gồm tuyến khám chữa bệnh cơ bản. Theo Luật khám chữa bệnh, tuyến cơ bản sẽ bao gồm cả các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện ngành và bệnh viện tư nhân, trừ các bệnh viện thuộc tuyến chuyên sâu vì một số quan điểm như sau:

Thứ nhất: Quyền lựa chọn nơi khám bệnh chữa bệnh là một trong các quyền cơ bản của người bệnh.

Thứ hai: Hiện nay Nhà nước và ngành y tế đang thực hiện chủ trương lấy người bệnh làm trung tâm, nếu cho rằng việc thông tuyến tỉnh người bệnh sẽ đổ dồn lên tuyến tỉnh dẫn đến tuyến xã, huyện không có bệnh nhân khiến các bệnh viện huyện mất cân đối … là đi ngược với chủ trương lấy người bệnh làm trung tâm. Người bệnh sẽ tự lựa chọn những cơ sở y tế uy tín tin cậy để KCB, do vậy sẽ các cơ sở y tế bắt buộc phải vận động để nâng cao chất lượng dịch vụ và cuối cùng là người dân sẽ được hưởng lợi.

Thứ ba: Quan điểm cho rằng khi thông tuyến tỉnh người bệnh sẽ tập trung lên tuyến tỉnh khiến tăng chi phí từ quỹ BHYT, nhận định như vậy là chưa phù hợp với thực tế. Thông thường chỉ những bệnh lý nghiêm trọng, người bệnh mới lên tuyển tỉnh do phát sinh về chi phí, (như di chuyển ..) còn đối với các bệnh thông thường người bệnh vẫn sẽ chọn KCB tại các cơ sở y tế nơi gần nhất. Nếu quy định người bệnh bắt buộc phải thăm khám ở y tế cơ sở và đã phát sinh chi phí, nếu phải lên tuyến trên vừa mất thời gian và lại tiếp tục phát sinh chi phí thêm một lần nữa như vậy không những không làm giảm mà còn làm tăng gấp hai lần chi phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT.

Thứ tư: Quan điểm cho rằng nếu thông tuyến tỉnh sẽ khiến tuyến tỉnh quá tải còn tuyến huyện sẽ dưới tải . Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh không quá tải, các bệnh viện cấp huyện, nếu đầu tư, tổ chức tốt nơi đó bệnh nhân sẽ tin tưởng lựa chọn. Do vậy khi cho phép thông tuyến tỉnh trở xuống sẽ buộc các bệnh viện tuyến huyện phải đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và dịch vụ để phục vụ và “ Giữ chân” người bệnh, điều này giúp cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, người bệnh sẽ được hưởng lợi .

Từ các quan điểm nêu trên, tôi đề xuất cần sửa đổi khoản 3 điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cụ thể như sau:

Điều 22.

3. Người tham gia bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và quy định về chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trừ trường hợp cấp cứu và các trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 Điều này, được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau:

a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, cơ bản theo quy định tại các điểm a,b, khoản 1 điều 104 luật KBCB.

b) 100% chi phí điều trị nội trú và không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện thuộc tuyến chuyên sâu được quy định tại điểm c khoản 1 điều 104 luật KBCB.

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn ông !

(còn tiếp)

TẢ THANH THIÊN