/ Đời sống - Xã hội
/ Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: Bảo đảm quyền bình đẳng, cơ hội phát triển của các dân tộc thiểu số

Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: Bảo đảm quyền bình đẳng, cơ hội phát triển của các dân tộc thiểu số

05/01/2021 18:13 |

(LSVN) - Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong phần về chính sách dân tộc khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

Ảnh minh họa.

Từ mục tiêu đó, Đảng ta đề ra nhiệm vụ của công tác dân tộc là: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số”.

Trong thời kỳ đổi mới, tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã đề ra chính sách giải quyết mối quan hệ dân tộc dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Từ chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước đã đề ra các chính sách, chương trình hành động cụ thể, sát hợp, nhờ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, bộ mặt vùng dân tộc và miền núi từng bước thay đổi. Đó là kết quả của việc thực hiện chủ trương bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, không phân biệt đa số hay thiểu số, người tại chỗ hay người ở nơi khác đến. Các dân tộc phát triển trong lòng cộng đồng dân tộc, vừa đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cả nước, vừa nhận được sự hỗ trợ của đồng bào cả nước.

Sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ không chỉ diễn ra trong nội bộ các dân tộc, mà còn giữa đồng bào các dân tộc với đồng bào cả nước. Nhờ đó, khối đoàn kết giữa các dân tộc ở nước ta được củng cố và phát triển không ngừng. Sự phát triển về mọi mặt của các dân tộc, xu hướng đoàn kết cộng đồng dân tộc được phát huy, tính thống nhất hữu cơ giữa các tộc người trong quốc gia/dân tộc được củng cố và tăng cường. Đây là nét mới nổi bật trong quan hệ dân tộc ở nước ta trong thời kỳ đổi mới và là nhân tố bảo đảm cho củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, là sự thể hiện sinh động trong thực tiễn nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

Thực tiễn đã chứng minh đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn. Dựa trên nguyên tắc cơ bản bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, sự đoàn kết, thống nhất trong quan hệ dân tộc ở nước ta vẫn giữ vai trò chủ đạo. Các dân tộc đã phát huy truyền thống cách mạng thực hiện công cuộc đổi mới, CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, góp phần xây dựng và củng cố quan hệ dân tộc ổn định và lành mạnh.

Mặc dù Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều trí tuệ và công sức, nhưng đến nay kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi nước ta còn chậm phát triển và nhiều khó khăn gay gắt. Kinh tế phát triển nhưng chưa bền vững và tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu; tập quán canh tác lạc hậu vẫn tồn tại dai dẳng; chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ rất khó khăn; tình trạng du canh, du cư, di cư tự do còn diễn biến phức tạp; một số hộ còn thiếu đất sản xuất; kết cấu hạ tầng thấp kém; môi trường sinh thái tiếp tục bị suy thoái.

Về xã hội, nhiều vấn đề xã hội đặt ra gay gắt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ đói nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hạn chế; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc ngày càng tăng.

Về văn hóa, một số tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan có xu hướng phát triển; bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đang bị mai một, trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào vùng dân tộc vẫn còn thấp so với vùng đồng bằng và đô thị. Về giáo dục, trình độ dân trí thấp; tỷ lệ mù chữ cao; chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa đạt yêu cầu.

Về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, một số nơi tôn giáo phát triển không bình thường, trái pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán của nhân dân. Một số nơi đồng bào bị các thế lực thù địch và kẻ xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo vào các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Hệ thống chính trị cơ sở ở nhiều vùng dân tộc và miền núi còn yếu, trình độ của đội ngũ cán bộ còn thấp, công tác phát triển đảng chậm; cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở nhiều nơi hoạt động chưa hiệu quả, chưa tập hợp được đông đảo đồng bào.

Trong khi đó, các lực lượng thù địch thông qua chiêu bài, thủ đoạn như: tăng cường lợi dụng vấn đề dân tộc để tạo cớ can thiệp; lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta, sự thoái hóa, biến chất, tình trạng tham nhũng trong một số cán bộ, đảng viên để tuyên truyền kích động, phá hoại tư tưởng, gây hoang mang dao động, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng CNXH, tạo xu hướng chống đối từ bên trong, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp hòa bình xây dựng đất nước của nhân dân ta.

Từ thực trạng quan hệ dân tộc và công tác dân tộc ở nước ta trong thời kỳ đổi mới, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân tộc cần được đề cập trong văn kiện của Đảng:

Thứ nhất, tập trung giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào các tộc người thiểu số và xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tạo môi trường cho kinh tế hàng hóa phát triển. Điều tiết việc sử dụng đất và quy hoạch, gắn chính sách đất đai vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoàn thiện việc giao đất, giao rừng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và tài nguyên rừng, tạo ra cơ hội xóa đói giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế: hệ thống thủy lợi; phát triển giao thông, năng lượng; xây dựng mạng lưới chợ, cửa hàng, đại lý, trường học, bệnh xá ở nông thôn, khu dân cư mới. Tạo môi trường để phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng, từng dân tộc/tộc người, bảo đảm cho đồng bào các dân tộc khai thác thế mạnh của địa phương làm giàu cho mình và đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ hai, xử lý tốt mối quan hệ giữa chính sách phát triển kinh tế với chính sách phát triển văn hóa, vừa cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các tộc người thiểu số. Phải có những giải pháp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của các tộc người thiểu số; xây dựng và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở trên cơ sở lồng ghép các hoạt động về chính trị, xã hội…

Thứ ba, có chính sách và phương thức phù hợp để phát triển mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, từng bước nâng cao dân trí, xây dựng đội ngũ trí thức đại diện cho quyền lợi của các tộc người thiểu số. Phát triển giáo dục và đào tạo, một mặt góp phần định hướng phát triển các giá trị cho mỗi cá nhân và tất cả cộng đồng trong quá trình phát triển của tộc người. Mặt khác, giáo dục và đào tạo luôn luôn là chìa khóa để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa mới.

Thứ tư, tập trung giải quyết vấn đề an sinh xã hội, tích cực xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện kinh tế của từng dân tộc, từng địa phương, khu vực.

Thứ năm, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp; xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị.

Thứ sáu, tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn như dân tộc học, văn hóa học, tâm lý học, lịch sử, tôn giáo học,… về các tộc người thiểu số để có chính sách phù hợp với từng vùng, từng tộc người. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận về tộc người và quan hệ tộc người, nghiên cứu tổng kết thực tiễn quá trình thực hiện chính sách dân tộc, nhanh chóng phát hiện những mâu thuẫn nảy sinh do những yếu tố chủ quan gây ra để có những giải pháp khắc phục kịp thời và từng bước hoàn chỉnh chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đồng thời dự báo được các xu hướng phát triển của quan hệ dân tộc từng giai đoạn, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, từ đó có những quyết sách kịp thời và phù hợp nhằm kịp thời giải quyết mối quan hệ dân tộc ở nước ta, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam cùng nhau phát triển, phồn vinh.

PGS. TS. TRƯƠNG MINH DỤC
Học viện Chính trị khu vực III
(Theo Nhân dân)
/cac-can-cu-khong-khoi-to-vu-an-hinh-su.html