Toàn cảnh Công ty TNHH Nước sạch tại thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Tước quyền về tài sản góp vốn của thành viên Công ty?
Thành lập từ ngày 18/9/2012, qua 09 lần thay đổi Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (CNĐKDN), đến thời điểm hiện nay, theo Giấy CNĐKDN do Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương cấp ngày 19/5/2020, Công ty có vốn điều lệ 27 tỉ đồng, có 03 thành viên góp vốn gồm: ông Nguyễn Vĩnh Thọ (10,8 tỉ), chiếm 40% vốn điều lệ; ông Phạm Quốc Kiên (10,8 tỉ), chiếm 40%; và bà Tạ Thị Thương (5,4 tỉ), chiếm 20%.
Hiện tại, Công ty đang cấp nước sinh hoạt cho 5000 cơ quan, tổ chức và hộ dân trên địa bàn 04 xã, phường thị xã Kinh Môn. Đồng thời, Công ty đang được tỉnh Hải Dương quy hoạch mở rộng diện tích lên hơn 03 lần so với hiện tại.
Điều đáng quan tâm là theo phản ánh của ông Kiên, từ tháng 5/2020, ông Kiên đang sở hữu 80% vốn góp (mua lại từ các thành viên trước đó) đã chuyển nhượng một nửa cho ông Thọ để mỗi ông cùng nắm giữ 40% vốn góp tại Công ty. Đồng thời thống nhất để ông Thọ giữ chức Giám đốc, bà Thương giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV). Nhưng sau đó, ông Kiên bị gạt ra khỏi hoạt động của Công ty, cho dù đang nắm giữ 40% vốn điều lệ.
Suốt 04 năm liền (2020, 2021, 2022, 2023) ông Kiên không được mời họp HĐTV, không được cung cấp báo cáo tài chính, không được chia lợi nhuận, không được tham gia ý kiến vào mọi hoạt động của Công ty. Đặc biệt, ông Kiên cũng không được quyền định đoạt phần vốn góp của mình.
Theo ông Kiên, biết ông Thọ là người có nhiều mối quan hệ trong tỉnh, có trong tay nhiều công ty nước sạch và công ty vệ tinh, nên khi thấy thái độ bất hợp tác của ông Thọ, ông Kiên đã quyết định bán phần vốn góp của mình tại Công ty.
Năm 2023, ông Kiên sau nhiều lần gửi thông báo chào bán vốn góp đến HĐTV theo quy định của Điều lệ nhưng không được hồi đáp, vào ngày 01/10/2023, ông đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Cường. Việc chuyển nhượng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đã hơn 08 tháng nay, ông Cường vẫn không được ông Thọ làm thủ tục sang tên trên Giấy CNĐKDN. Ông Cường và ông Kiên nhiều lần yêu cầu nhưng 02 thành viên còn lại đều né tránh.
Bỏ ra 10, 8 tỉ đồng để mua 40% vốn điều lệ của Công ty, ông Cường cũng rơi vào hoàn cảnh như ông Kiên, không lợi nhuận, cũng không có bất kỳ quyền lợi nào. Hơn 8 tháng qua, chỉ tính riêng lãi suất ngân hàng, số tiền 10,8 tỉ đồng của ông Cường cũng đã lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo Điều lệ của Công ty, HĐTV Công ty chỉ có thể quyết định những nội dung quan trọng trong hoạt động của Công ty khi có đủ thành viên đại diện cho 65% vốn điều lệ trở lên biểu quyết tán thành.
Vậy mà suốt gần 04 năm qua, ông Kiên rồi ông Cường đều không hề được tham gia họp để biểu quyết bất kỳ nội dung nào trong hoạt động của Công ty, không được cung cấp Báo cáo tài chính hàng năm, không được chia lợi nhuận.
Trong khi đó, chỉ với 60% vốn điều lệ theo Giấy CNĐKDN đang có hiệu lực, nhưng ông Thọ và bà Thương đã tự cho mình quyền quản lý điều hành Công ty, quyết định đầu tư nhiều tỉ đồng trong suốt gần 04 năm qua, mặc nhiên chiếm giữ và sử dụng phần vốn góp đang được ghi nhận hợp pháp của thành viên thứ ba mà không hề cho họ được quyền tham gia và định đoạt tài sản của mình.
Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng chỉ vào Quy hoạch chung xây dựng xã Bạch Đằng cho biết diện tích sử dụng đất của Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng sẽ tăng gấp hơn 03 lần.
Điều đáng lưu tâm là Kế toán Công ty đã được ông Thọ thay thế bằng con dâu Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đằng. Ông Kiên khi biết có sự đầu tư tiền tỉ này đã bất bình và cho rằng kế toán đã “vẽ ra số liệu để tiêu tiền”.
Để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Cường đã làm Đơn phản ánh đến Sở KH&ĐT; Đơn tố cáo Bí thư Tỉnh ủy và Công an tỉnh Hải Dương.
Công ty nước sạch “06 không”
Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương nhận được Đơn phản ánh của ông Cường đã yêu cầu Công ty có báo cáo giải trình, do thấy nội dung chưa đầy đủ đã mời các bên liên quan đến làm việc.
Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương, ông Vũ Huy Cường, Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh cho biết: Nội dung buổi làm việc cho thấy Công ty có nhiều sai phạm. Ngày 23/4/2024 đã ban hành Thông báo “về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy CNĐKDN”. Nội dung nêu rõ, bà Thương (Chủ tịch HĐTV Công ty) là viên chức Đài Phát thanh thành phố Hải Dương, thuộc đối tượng không được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp.
Căn cứ nội dung làm việc với đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương, Công an thị xã Kinh Môn, tài liệu do ông Kiên, ông Cường và ông Thọ cung cấp, cho thấy, Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng suốt 04 năm qua hoạt động trong tình trạng “06 không”. Chúng tôi đã nêu lên tình trạng này tại buổi làm việc và đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận.
Một là, bà Thương làm Chủ tịch HĐTV là không đúng pháp luật, vi phạm điều cấm của Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Viên chức 2010. Ngay cả ông Thọ, không phải là Chủ tịch HĐTV nhưng lại làm Giám đốc, cũng trái với Điều 23 Điều lệ Công ty: “HĐTV bầu một Chủ tịch HĐTV. Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty”.
Hai là, HĐTV không hoạt động. Theo Báo cáo của Công ty: Từ năm 2020 đến nay, Công ty không tiến hành họp HĐTV thường niên, không Nghị quyết, không sổ đăng ký thành viên, không giấy chứng nhận góp vốn, không lưu trữ tài liệu. Có nghĩa, với sự quản lý, điều hành của Chủ tịch và Giám đốc không chính danh, HĐTV Công ty gần như bị tê liệt gần 5 năm nay (từ năm 2020 đến 2024).
Ba là, Giấy CNĐKDN không có giá trị. Báo cáo của Công ty khẳng định: Do không xác định được chính xác tỉ lệ góp vốn của 3 thành viên hiện nay nên Công ty không thể triệu tập và tổ chức họp HĐTV. Trong khi đó, tại Giấy CNĐKDN cấp ngày 19/5/2020, đang có hiệu lực, ghi rõ: Vốn điều lệ 27 tỉ. Phạm Quốc Kiên 40%; Nguyễn Vĩnh Thọ 40%; Tạ Thị Thương 20%. Về pháp lý, đây là căn cứ ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ của 3 thành viên. Nhưng sau 4 năm, ông Thọ vẫn công nhiên phủ định tỉ lệ góp vốn đang có hiệu lực.
Việc 4 năm liền không họp HĐTV là truất quyền của các thành viên. Do đó, họ có quyền từ chối trách nhiệm theo tỉ lệ góp vốn khi xảy ra thiệt hại trong hoạt động của Công ty. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả Công ty gây ra cho xã hội?
Bốn là, Chủ tịch HĐTV và Giám đốc không làm hết trách nhiệm. Báo cáo Công ty thừa nhận: “Vốn điều lệ chưa được các thành viên trước đây góp đủ nên không có cơ sở để xác định đúng đắn tỉ lệ góp vốn của từng thành viên. Công ty chỉ phát hiện ra điều này khi ông Nguyễn Vĩnh Thọ tiếp quản vị trí người đại diện theo pháp luật thay ông Phạm Quốc Kiên”.
Đại diện Sở KH&ĐT tư tỉnh Hải Dương, ông Vũ Huy Cường - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh khẳng định: Sau 30 ngày, nếu không thay đổi thành viên, sẽ thu hồi Giấy ĐKCNDN của Công ty TNHH Nước Bạch Đằng.
Thời điểm ông Thọ tiếp quản là tháng 08/2020. Vậy, 04 năm qua Giám đốc và Chủ tịch HĐTV đã làm gì với nội dung phát hiện quan trọng này. Thực tế 4 năm họ không làm gì cả, để mặc tình trạng không đủ vốn điều lệ đã đăng ký, lại coi là lý do để không họp HĐTV và không cho ông Kiên chuyển nhượng vốn góp. Trong khi đó, Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được Giấy CNĐKDN thì thành viên phải góp phần vốn góp đủ vốn cho Công ty như đã cam kết. Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc góp chưa đủ số vốn đã cam kết, Công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỉ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp, trong thời hạn 30 ngày.
Năm là, thành viên góp vốn không được quyền định đoạt tài sản của mình. Việc ông Kiên chuyển nhượng vốn góp cho ông Cường về bản chất là chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ đối với phần vốn chiếm tỉ lệ 40% vốn điều lệ được ghi trong Giấy CNĐKDN và được Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép.
Nhưng ông Thọ lại lấy lý do vốn điều lệ chưa góp đủ nên chưa xác định được tỉ lệ vốn góp như trong Giấy CNĐKKD và ông Kiên còn nợ Công ty. Nhưng 04 năm qua, kể từ khi cho rằng vốn góp bị thiếu, ông Thọ đã không thay đổi nội dung Giấy CNĐKDN. Theo đó, ông Cường và ông Kiên hoàn toàn có căn cứ để chuyển nhượng phần vốn góp này. Còn lý do ông Kiên nợ Công ty thì không được ông Kiên công nhận và có dấu hiệu thiếu thuyết phục.
Sáu là, Công ty không lợi tức. Báo cáo Công ty nêu: Năm 2020, 2021, 2022 và 2023, do vốn điều lệ bị góp thiếu nên Công ty không thể xác định được tỉ lệ vốn góp của từng thành viên, nên cũng không thể xác định được lợi tức để chia. Lại vẫn lý do được Giám đốc Thọ phát hiện từ 04 năm trước.
Việc ông Cường, ông Kiên tố cáo ông Thọ, bà Thương có dấu hiệu chiếm giữ trái phép tài sản của họ suốt 04 năm qua, tước các quyền của thành viên góp vốn, vì thế, không phải là không có cơ sở. Rất cần được điều tra làm rõ.
Về mặt quản lý nhà nước, Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng với “06 không” đang trở thành thành Công ty không rõ trách nhiệm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất an trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trước hết là cho 5000 hộ tiêu dùng nước sạch nông thôn, cũng không thể làm ngơ.
PV
Quảng Trị: ‘Siết chặt’ xe quá tải, quá khổ đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông