Hạng mục công trình Nhà máy nước được Công ty Nước sạch Bạch Đằng đầu tư xây dựng đang bị thành viên có 40% vốn góp phản ứng vì không được biết, không được có ý kiến.
Xử phạt hành chính, thu hồi Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, kỷ luật Chủ tịch HĐTV vi phạm pháp luật
Sau khi xác minh nhiều nội dung tố cáo của ông Nguyễn Văn Cường và ông Phạm Quốc Kiên là đúng sự thật, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã ra các văn bản xử lý vi phạm hành chính xảy ra tại Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng như sau: Bà Tạ Thị Thương, viên chức một đơn vị thuộc UBND tỉnh Hải Dương nhưng lại giữ chức Chủ tịch Hôi đồng thành viên (HĐTV) là vi phạm Điều 14 Luật Viên chức 2010. Bà Thương đã bị kỷ luật Khiển trách tại đơn vị công tác và không được làm Chủ tịch HĐTV tại Công ty.
Thanh tra Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương ra Quyết định số 1408/QĐ-XPHC ngày 09/05/2024 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty về các hành vi vi phạm: Không có Giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên; Không lập sổ Đăng ký thành viên; Không lưu giữ các tài liệu tại trụ sở.
Ngoài mức phạt 120 triệu đồng đối với hành vi “03 không” kể trên, Quyết định xử phạt còn “buộc Công ty phải cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho các thành viên; buộc lập Sổ Đăng ký thành viên theo quy định”.
Trước đó, Sở KH&ĐT cũng đã có Tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty do có vi phạm về kê khai vốn điều lệ, với số tiền bị xử phạt là 50 triệu đồng. Phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương ban hành “Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” ngày 23/4/2024.
Thông báo của TAND tỉnh Hải Dương thụ lý vụ kiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Nước sạch Bạch Đằng.
Trước nguy cơ chấm dứt hoạt động kinh doanh của Công ty bởi Thông báo kể trên, ông Nguyễn Vĩnh Thọ đã lấy tư cách người đại diện theo pháp luật làm Đơn khởi kiện Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương. Việc làm Đơn khởi kiện chỉ ông Thọ và bà Thương thống nhất với nhau. Ông Phạm Quốc Kiên, thành viên thứ ba, có 40% vốn góp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đang có hiệu lực, không hề được biết việc khởi kiện. Ngày 09/5/2024, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hải Dương có Thông báo thụ lý vụ việc.
Trao đổi về vụ kiện, ông Vũ Huy Cường, Trưởng phòng Kinh doanh, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương chia sẻ: Trong hồ sơ vụ kiện, phía ông Thọ có gửi cho Tòa tài liệu vi bằng được lập để chứng thực việc bà Thương đã chuyển nhượng phần vốn góp 20% của bà cho chồng là ông Toàn. Với cơ quan quản lý, vi bằng này không có giá trị khẳng định bà Thương chấm dứt vai trò thành viên, theo đó chấm dứt vai trò Chủ tịch HĐTV của Công ty. Ông Toàn cũng không thể theo đó mà trở thành thành viên Công ty được. Muốn trở thành thành viên, ông Toàn phải có tên trong Sổ Đăng ký thành viên theo đúng quy định, có chữ ký của tất cả các thành viên. Vì vụ kiện này mà việc thu hồi Giấy đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sau Thông báo phải tạm thời dừng lại cho đến khi có phán quyết có hiệu lực của Tòa án.
Diễn biến kể trên cho thấy, Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng đang từ Công ty “06 không” đã trở thành Công ty “07 không” - không có Chủ tịch HĐTV.
Việc ông Kiên và ông Cường sở hữu 40% vốn góp, tiếp tục không được tham gia vào hoạt động của Công ty, cũng dẫn đến việc Công ty không thể thực hiện yêu cầu tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở KH&ĐT: “buộc Công ty phải cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho các thành viên; buộc lập Sổ Đăng ký thành viên theo quy định”, cũng như tổ chức họp HĐTV theo đúng quy định.
Công an thị xã Kinh Môn vẫn đang xem xét Đơn tố giác tội phạm?
Kể từ tháng 01/2024, ông Kiên và ông Cường đã liên tiếp làm nhiều Đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông Thọ, bà Thương và ông Toàn (người được bà Thương ủy quyền thay mình). Đơn tố giác tội phạm (lần 2) ngày 18/02/2024 của ông Nguyễn Văn Cường nêu: Từ ngày 10/8/2017, ông đã góp 3 tỉ đồng, tương ứng 11% trong tổng số 40% vốn góp đứng tên ông Kiên tại Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng, đồng thời ủy quyền cho ông Kiên làm đại diện phần vốn góp tại Công ty.
Nhưng từ tháng 6/2020 đến nay, Công ty không hề báo cáo một hoạt động kinh doanh nào đến ông Kiên, không cung cấp tài liệu thu chi, đầu vào, đầu ra và báo cáo tài chính hàng năm, không tổ chức họp thông báo tình hình hoạt động của Công ty, không chia lợi nhuận suốt 4 năm nay cho phần vốn góp của hai ông. Ngày 30/5/2023, ông Thọ ép ông Kiên phải nhượng lại vốn góp cho ông Thọ với giá thấp hơn 10,8 tỉ đồng. Ông Kiên không chấp nhận, tiếp tục đòi chia lợi nhuận và thông báo tình hình hoạt động của Công ty. Ông Thọ tuyên bố không thông báo và xô xát với ông Kiên. Công an xã Bạch Đằng đã phải giải quyết.
Sau đó, ông Kiên nhiều lần gửi thông báo chào bán phần vốn góp của mình tới ông Thọ và bà Thương theo đúng quy định nhưng không ai trả lời.
Quyết định xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương đối với vi phạm tại Công ty Nước sạch Bạch Đằng.
Cuối cùng, ông Cường đã mua lại phần vốn góp của ông Kiên để toàn quyền nắm giữ 40% vốn góp tại Công ty. Tuy nhiên, ông Thọ và bà Thương đã không làm thủ tục thay đổi thành viên góp vốn theo quy định dù nhận được hồ sơ thông báo đề nghị. Trước mọi yêu cầu, đề nghị của ông Kiên và ông Cường, phía ông Thọ và bà Thương đều né tránh, không trả lời, không gặp; tiếp tục chiếm giữ phần vốn góp 40% và gạt hai ông ra ngoài hoạt động của Công ty.
Ngoài việc không được chia cổ tức hàng năm, số tiền khấu hao tài sản trong 3 năm vừa qua đã kê khai với cơ quan thuế là 3,3 tỉ đồng, ông Thọ và bà Thương cũng không chia cho ông Kiên và ông Cường theo đúng pháp luật và điều lệ Công ty. Lý do xuyên suốt được ông Thọ nêu ra để không triệu tập họp HĐTV, không chia lợi nhuận, không công nhận việc chuyển nhượng vốn góp giữa ông Cường và ông Kiên là do “vốn điều lệ chưa được các thành viên góp đủ nên không có cơ sở để xác định đúng đắn tỉ lệ góp vốn của từng thành viên”.
Ông Thọ cho biết, ông phát hiện ra sự việc trên từ khi tiếp nhận vị trí giám đốc Công ty. Có nghĩa, từ tháng 6/2020 đến nay, suốt 4 năm qua nội dung “phát hiện” đã không được Chủ tịch HĐTV và Giám đốc Công ty có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, mặc nhiên trở thành “lý do” để tước quyền của thành viên dù vẫn chiếm giữ và sử dụng phần vốn góp của họ.
Việc tước quyền thành viên của ông Kiên và ông Cường cũng đồng thời tước quyền sở hữu, trong đó có quyền sử dụng, định đoạt tài sản của họ.
Đơn của ông Cường gửi Công an thị xã Kinh Môn là Đơn tố giác tội phạm, được giao cho Đội Kinh tế - ma túy giải quyết. Vào thời điểm gần 2 tháng, kể từ ngày nhận Đơn, Đại diện Đội Kinh tế - ma túy, Công an thị xã Kinh Môn khẳng định đang trong quá trình phân loại, xem xét, nếu xác định có dấu hiệu tội phạm thì sẽ xử lý rtheo đúng pháp luật, không bao che cho bất kỳ cá nhân nào.
Đến nay đã hơn 3 tháng, phía Công an thị xã Kinh Môn vẫn chưa ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự đối với Đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Văn Cường.
Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; c) Quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 2. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. |
PV