Ảnh minh họa.
Văn bản số 203/TB-TTCP nêu rõ, về việc ban hành văn bản đối với công tác quản lý sử dụng đất, giai đoạn 2011-2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã chậm ban hành quy định việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP; ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư có nội dung về thời gian miễn giảm tiền thuê đất không đúng quy định khoản 3 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (đến năm 2021 đã ban hành quyết định bãi bỏ).
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh chậm từ 0,5 đến 4 tháng so với quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, khoản 5 Điều 9 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, một số huyện đã xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân, nhưng có một số năm chưa đăng tải trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, huyện theo quy định tại điểm b, d khoản 6 Điều 57 Thông tư 29/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Một số kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được phê duyệt có danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất nhưng chưa được HĐND tỉnh thông qua theo quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; một số công trình, dự án quá 03 năm chưa được thu hồi đất nhưng không hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất theo khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013, UBND tỉnh tiếp tục cho thực hiện nhưng chưa được HĐND tỉnh thông qua theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Đất đai 2013.
UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm của một số huyện, thành phố chưa đảm bảo theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Đất đai 2013.
Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND tỉnh xác định nhu cầu, tiến độ sử dụng đất chưa chính xác; xác định khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất thiếu khả thi nên các dự án đầu tư thực hiện chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thấp, chưa đảm bảo theo Điều 22 Luật Đất đai 2003 và Điều 39, Điều 40 Luật Đất đai 2013.
Về thu hồi, giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án, một số dự án sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, nhưng khi chủ đầu tư nhận chuyển nhượng không có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm khoản 1 Điều 193 Luật Đất đai 2013 hoặc chưa đủ điều kiện nhận chuyển nhượng, vi phạm quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013; một số dự án tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất không có trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, không có quy hoạch xây dựng, vi phạm Điều 30 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, Điều 52 Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, các dự án này đã được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020.
Khi thực hiện bồi thường, GPMB, UBND các huyện, thành phố thực hiện giao đất ở tái định cư không thống nhất; UBND tỉnh cho thuê đất khi nhà đầu tư chưa thực hiện ký quỹ đầu tư theo khoản 2 Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án có sử dụng đất; phê duyệt danh mục dự án cần lựa chọn nhà đầu tư; việc ký quỹ đầu tư - Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ghi quy mô một số dự án quá chi tiết, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư khi dự án có sự điều chỉnh nhỏ (phải thực hiện các trình tự, thủ tục để điều chỉnh lại Giấy chứng nhận đầu tư).
Việc ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư của 03 CCN nội dung: “quá thời hạn 05 năm, chủ đầu tư không lấp đầy diện tích đất công nghiệp, không kêu gọi được nhà đầu tư thứ cấp thì UBND tỉnh sẽ thu hồi và chủ đầu tư không được bồi hoàn chi phí hạ tầng đã đầu tư” là thiếu khả thi, chưa phù hợp quy định của Điều 39 Luật Đầu tư 2014, Điều 64 Luật Đất đai 2013.
Tại KCN Phúc Sơn do Công ty CP-Tổng Công ty đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc làm chủ đầu tư:
- UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp Giấy CNĐKĐT cho 04 dự án thương mại, dịch vụ là không phù hợp quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Phúc Sơn (đất công nghiệp), chưa đảm bảo quy định khoản 1 Điều 51 Luật Xây dựng 2014, khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư 2014; UBND tỉnh cho thuê đất đối với 03/04 dự án thương mại, dịch vụ (nêu trên) không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, vi phạm Điều 52 Luật Đất đai 2013.
- Chủ đầu tư Dự án hạ tầng Khu công nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp Giấy CNQSD đất nhưng đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất, vi phạm khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013; Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp Giấy CNĐKĐT cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện 06 dự án trong Khu công nghiệp chưa đảm bảo hồ sơ yêu cầu theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014, điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020.
Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án sử dụng đất có lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án đô thị là không đúng về thẩm quyền, vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà; việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.
Có 65 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa với 391,86 ha đất. Sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp được chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm, không thay đổi mục đích sử dụng đất.
Việc thực hiện bán đấu giá tài sản và quyền sử dụng đất đối với 62 cơ sở nhà đất khi chưa có phương án sắp xếp là không đúng quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các Quyết định: số 09/2007/QĐ-TTg, số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại các Khu dân cư, đô thị, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đấu giá
Theo đó, Văn bản số 203/TB-TTCP nêu rõ, trong kỳ, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại 425 Khu dân cư, điểm dân cư nông thôn với tổng diện tích 708 ha; tuy nhiên, giai đoạn trước 8/2018, UBND tỉnh không phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định tại Điều 74 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Điều 3 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư các khu dân cư, điểm dân cư nông thôn. Ngoài ra, tỷ lệ xây dựng nhà tại các khu đấu giá quyền sử dụng đất thấp (24,74%), diện tích đất ở chưa xây dựng nhà còn nhiều (281,82 ha), chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất.
Việc quản lý đất công ích
Đến hết năm 2022, tổng diện tích đất công ích 5.528,07 ha, chủ yếu cho các hộ gia đình, cá nhân thuê diện tích nhỏ lẻ để sản xuất nông nghiệp không thông qua đấu giá, với thời gian thuê từ 01-05 năm; đơn giá cho thuê không thống nhất, mà do các xã quyết định; còn lại 2.627,16 ha (chiếm 48,51%) nhỏ lẻ, phân tán do UBND các xã, phường quản lý, chưa đưa vào khai thác sử dụng.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Công tác cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh về cơ bản đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội và Chỉ thị số 05/CT- TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, qua xem xét thấy:
- Còn 59 dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa được cấp GCN QSD đất cho tổ chức, chủ yếu do chưa kê khai cấp GCN, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
- Việc dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp chưa được thực hiện tối ưu, còn diện tích đất công ích lớn bị phân tán, nhỏ lẻ, sử dụng kém hiệu quả; tiến độ thực hiện chậm, đến thời điểm thanh tra mới có 31/131 xã đủ điều kiện cấp GCNQSD với tỷ lệ đạt thấp (9,75%), chưa đảm bảo các nội dung quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 22 Luật Đất đai 2013.
Việc xử lý chậm tiến độ sử dụng đất
Các dự án chậm tiến độ chưa được công khai trên Trang thông tin điện tử của tỉnh theo khoản 3 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; đến thời điểm thanh tra vẫn còn 75 dự án chậm tiến độ chưa được xử lý xong; có 12 dự án đã được thu hồi đất, GPMB nhưng chưa triển khai, chậm thực hiện; tại các KCN, CCN có 27 dự án đầu tư thứ cấp chậm tiến độ từ 01 năm đến 6,5 năm... nhiều dự án chậm tiến độ vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Việc ban hành bảng giá đất, tính tiền sử dụng đất
UBND tỉnh không ban hành bảng giá đất điều chỉnh cho giai đoạn 2019-2022 khi thị trường có biến động lớn hơn 20% theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 97/2023/NQ-HĐND thông qua điều chỉnh, bổ sung nội dung Bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh); ban hành kế hoạch xác định giá đất cụ thể hàng năm giai đoạn 2016-2022 nhưng chậm từ 4 đến 5,5 tháng so với quy định tại Điều 22 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, điểm e khoản 4 Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Một số dự án chậm phê duyệt giá đất; có 04 dự án đã được giao đất nhưng chưa xác định tiền sử dụng đất.
Giá đất cụ thể của các dự án (không phải kinh doanh bất động sản) được xác định bằng phương pháp thặng dư có áp dụng chỉ tiêu về độ lấp đầy, chi phí quảng cáo (0,5%), chi phí vận hành hàng năm tài sản cho thuê là không phù hợp; đưa thuế VAT vào chi phí phát triển một số hạng mục công trình là không đúng hướng dẫn tại Điều 6 và Phụ lục số 04 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài ra, đối với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, về tiền, thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa: còn 48 công trình, dự án còn nợ 50,795 tỷ đồng; 125 dự án chưa xác định.
Việc thu tiền giao đất, cho thuê đất: còn 79 dự án nợ tiền thuê đất 194,19 tỉ đồng (59 tổ chức nợ 193,55 tỉ đồng; 19 hộ gia đình, cá nhân nợ 0,636 tỉ đồng).
Cục Thuế ban hành thông báo nghĩa vụ tài chính của đơn vị trúng đấu giá tại một số dự án chậm so với quy định tại khoản 3 Điều 12, khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp.
Một số đơn vị trúng đấu giá chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng Cục Thuế chậm xác định tiền chậm nộp theo quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ cho các đơn vị này khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, vi phạm khoản 3 Điều 98 Luật Đất đai 2013.
Từ kết quả thanh tra trên về công tác quản lý đất đai, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, rà soát, xử lý theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật các nội dung sau:
- Việc giao đất thực hiện xây dựng hạ tầng để tạo quỹ đất đấu giá QSDĐ ở, đảm bảo phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch xây dựng;
- Xử lý các dự án chậm tiến độ, các dự án có vi phạm về sử dụng đất;
- Xử lý, hoàn thành thủ tục về đất đai theo quy định đối với các công trình, dự án phục vụ về đích nông thôn mới có sử dụng đất không đúng với hồ sơ địa chính;
- Sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.
- Quản lý, sử dụng đất công ích đảm bảo thống nhất trên toàn tỉnh;
- Xem xét, chấm dứt việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư ghi quy mô dự án quá chi tiết, giúp công tác quản lý nhà nước được đảm bảo theo quy định, không gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; xem xét điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp, Khu công nghiệp;
- Rà soát việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bổ sung (nếu có) để thu về ngân sách Nhà nước đối với các dự án có xác định giá đất cụ thể, nhất là các dự án xác định bằng phương pháp thặng dư, tiền chậm nộp tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất; rà soát, yêu cầu các chủ đầu tư dự án nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản thuế, phí còn nợ, tiền ký quỹ đầu tư và tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa (trong đó có 125 dự án nêu tại 2.11 trang 44, Kết luận thanh tra); quá trình thực hiện, có vướng mắc thì xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để được hướng dẫn, xử lý, không để thất thoát ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, rà soát, xử lý theo thẩm quyền các dự án đã được thực hiện ưu đãi đầu tư theo các Quyết định: số 28/2012/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 và số 35/2014/QĐ-UBND ngày 09/12/2014 của UBND tỉnh. Xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm đất đai đã tồn tại kéo dài nhiều năm.
Tại KCN Phúc Sơn, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, đảm bảo đúng chức năng sử dụng đất của Khu công nghiệp đối với 04 dự án của nhà đầu tư thứ cấp; đồng thời rà soát việc tính tiền thuê đất để tính đúng, tính đủ, không để thất thoát ngân sách nhà nước; yêu cầu Công ty CP-Tổng Công ty đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không thất thoát ngân sách Nhà nước.
PHƯƠNG HOA