Ảnh minh họa.
Mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo, thời điểm nắng nóng sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới, cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ ô tô dù phương tiện dừng đỗ hay di chuyển. Thời gian qua ghi nhận có nhiều vụ cháy xe ô tô trong thời điểm nắng nóng, gây thiệt hại lớn về kinh tế với người dân.
Gần đây nhất, khoảng 10h10 ngày 11/7, xe ô tô đang đỗ trước cửa toà nhà Tân Hoàng Minh, phường Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) bất ngờ bốc cháy. Nhận được tin báo, lực lượng Công an phường Xuân La đang thực hiện nhiệm vụ gần khu vực xảy ra cháy ngay lập tức đến hiện trường.
Tại hiện trường, lực lượng Công an phường Xuân La phối hợp với bảo vệ, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở của toà nhà, dùng họng nước toà nhà nhanh chóng tiếp cận xe ô tô đang bốc cháy, trực tiếp phun nước dập tắt đám cháy, khống chế không cho lửa cháy lan sang các xe khác. Sau 20 phút đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân của vụ cháy là do chập điện.
Qua những vụ việc đã xảy ra, Công an thành phố khuyến cáo đến người dân, trước hết, hãy luôn cảnh giác để có thể phát hiện kịp thời lúc đám cháy vừa phát, đó là khi cảm nhận được mùi xăng, mùi khét của cao su trong buồng lái hay thấy khói bốc lên từ gầm xe, nắp capô. Đây rất có thể là những biểu hiện ban đầu của sự cháy.
Khi xảy ra cháy, nếu trong xe còn người và cửa bị kẹt, hãy đập vỡ cửa kính để nhanh chóng cứu người ra khỏi xe. Nếu có người bị thương, nhanh chóng áp dụng các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện sớm nhất mà bạn yêu cầu dừng lại được trên đường (nếu bạn đang ở nơi vắng vẻ), đồng thời hãy ghi nhớ số xe của họ cũng như gọi điện báo cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc công an phường gần nhất.
Nếu đám cháy xuất hiện bên dưới gầm xe do rò rỉ nhiên liệu, hãy sử dụng bình chữa cháy bằng bột hoặc khí phun lần lượt theo hướng từ ngoài vào trung tâm đám cháy. Nếu đám cháy xuất hiện dưới nắp capô, hãy cẩn thận mở nắp capô (nên dùng vật cứng nhọn để cậy hoặc đập thủng nắp capô nếu được) và sử dụng bình chữa cháy phun thẳng vào trung tâm của đám cháy hay phun vào nơi cháy to nhất, hoặc dùng các tấm phủ (chăn, mền tẩm nước nếu có) bao phủ lên ngọn lửa cũng như có thể sử dụng các vật liệu chữa cháy khác như đất, cát, nước…
Tuyệt đối không được tiếp cận với ngọn lửa nếu quần áo, người bạn đang dính xăng dầu. Khi chữa cháy phải đứng ở đầu hướng gió để tránh bị lửa tạt vào người. Nếu cảm nhận không thể dập được ngọn lửa, hãy tránh ra xa vì đám cháy có thể gây ra nổ bình xăng. Nhanh chóng hô hào sơ tán mọi người ra khỏi vùng nguy hiểm (phạm vị 10m tính từ đám cháy).
Trong thời gian đợi đội chữa cháy chuyên nghiệp, bạn hãy sơ tán các phương tiện bên cạnh nếu có thể cũng như kêu gọi sự trợ giúp của mọi người để tránh cháy lan.
PV