/ Đời sống - Xã hội
/ Hà Nội cần tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp

Hà Nội cần tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) -TP. Hà Nội cần tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội (Nghị quyết 97) và Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội (Nghị quyết 115).

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại kỳ họp 18 HĐND TP. Hà Nội khóa XV. Ảnh: chinhphu.

Hà Nội được đánh giá là điểm sáng về hiệu lực, hiệu quả

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã cố gắng, nỗ lực triển khai và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của Thành phố để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng khá, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện; mục tiêu tổng quát cơ bản đạt được và vượt 10/17 chỉ tiêu chủ yếu.

Riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thành phố vẫn có sự tăng trưởng, trong đó đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu; GDP năm 2020 ước tăng 3,94% - cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước; cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm, cơ cấu kinh tế cả giai đoạn đã chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại.

Trong thành tích chung của Thủ đô, có sự đóng góp quan trọng của HĐND Thành phố và của từng đại biểu HĐND.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những đổi mới trong tổ chức và hoạt động và HĐND Thành phố. Hà Nội được đánh giá là điểm sáng, hình mẫu của cả nước về hiệu lực, hiệu quả", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Quyết tâm cao hơn, chủ nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, năm 2021, trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, đòi hỏi Thành phố phải quyết tâm cao hơn nữa, chủ động nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục kịp thời các hạn chế, khó khăn, trước mắt là tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hà Nội cần tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những giải pháp khả thi để tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực công tác trọng tâm, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021.

Tích cực tạo lập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ưu tiên cho cải tiến công nghệ và áp dụng mô hình sản xuất mới với năng suất, chất lượng và hiệu quả. Kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh; tích cực tháo gỡ khó khăn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống của người dân Thủ đô; phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân, quyết liệt triển khai các giải pháp để xử lý những vấn đề nổi cộm nhất, được quan tâm nhất đó là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn Thành phố. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là ở các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...

Đặc biệt, Hà Nội cần tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện Nghị quyết số 97 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và số 115 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Trong quá trình triển khai các Nghị quyết này cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế ở cơ sở, thực hiện đầy đủ các quy trình theo quy định, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để có cơ chế, chính sách phù hợp cho việc phát triển; đồng thời tích cực, chủ động xin ý kiến Trung ương những nội dung còn vướng mắc để xử lý kịp thời, tạo động lực để phục hồi, phát triển nhanh kinh tế - xã hội trong các năm tiếp theo.

Việc triển khai các Nghị quyết trên cần đặt trong tổng thể thực hiện Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định của pháp luật có liên quan, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tổng kết, đánh giá, xây dựng nên hệ thống chính sách đầy đủ, đồng bộ trong xây dựng chính quyền đô thị, phù hợp với vị thế vai trò là Thủ đô của cả nước.

Bên cạnh đó, cần đổi mới, chủ động, sáng tạo và linh hoạt hơn nữa trong các hoạt động của HĐND. Cùng với việc giám sát việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Hội đồng nhân dân Thành phố cần chủ động phối hợp với các Đoàn ĐBQH trong giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại Thủ đô theo quy định của pháp luật.

NGỌC ANH

/giu-on-dinh-tinh-hinh-truoc-covid-19-don-lan-song-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai.html