(LSVN) - Chiều 22/12, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đối với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thành phố đã rất chủ động trong các công việc được giao.
Chủ trì buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, ngành giao thông là một trong những lĩnh vực đi đầu trong thực thi nhiệm vụ, đạt kết quả toàn diện, góp phần thay đổi diện mạo khu vực thành thị và nông thôn, giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Minh chứng rõ nét là có nhiều dự án lớn được hoàn thành và nhiều dự án khởi công mới trong năm 2020.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu, Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, tham mưu cho Thành ủy ban hành một Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực quan trọng này. Giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố rà soát, điều chỉnh lại chức năng nhiệm vụ của một số sở, ngành; trong đó có Sở Giao thông Vận tải để phù hợp với quy định của Trung ương và khắc phục được những tồn tại nảy sinh trong quá trình điều hành.
Sở Giao thông Vận tải cần rà soát, nghiên cứu hoàn thiện điều chỉnh lại quy hoạch giao thông đến năm 2030, tầm nhìn 2045 bao gồm tất cả các loại hình giao thông, trên quan điểm phát triển đồng đều tất cả các địa phương trên địa bàn Thủ đô và tỉnh thành lân cận. Bên cạnh đó, cần làm tốt việc chuẩn bị đầu tư các dự án mới mang tính động lực. Xây dựng mỗi con đường không chỉ là huyết mạch giao thông mà phải trở thành một trục phát triển kinh tế, đô thị - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Cùng đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chọn những công việc cần làm ngay để người dân nhìn thấy rõ sự thay đổi trong cải thiện điều kiện đi lại, giảm ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm các sai phạm; cần phát triển theo hướng đa phương thức, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế chia sẻ; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Ngành giao thông và các đơn vị liên quan cần tiếp tục bám sát, đẩy nhanh tiến độ một số dự án đang triển khai như: Hầm chui Lê Văn Lương; giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy; tiếp nhận, chuyển giao và vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, năm 2020, ngành giao thông Thủ đô đã chủ động xây dựng chương trình trọng tâm ngay từ đầu năm; chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới theo hướng đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả và mục tiêu “một việc, một đầu mối xuyên suốt” nhằm đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Đến nay, Sở Giao thông Vận tải đã hoàn thành 609/618 nhiệm vụ được Bộ Giao thông Vận tải và thành phố giao. Trên cơ sở nhận diện các nhóm nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, Sở đề xuất 9 nhóm giải pháp tương ứng nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Sở Giao thông Vận tải đã xử lý 8/34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; xử lý xong 25 “điểm đen” giao thông.
Năm 2020 cũng đánh dấu nhiều dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô được khánh thành, đưa vào khai thác. Cùng với việc hoàn thành 117 công trình cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp đã góp phần hoàn thiện kết nối hạ tầng và nâng cao năng lực giao thông. Thanh tra Giao thông cũng phối hợp với Công an và các lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản trên 20.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 54,2 tỉ đồng, tước Giấy phép lái xe có thời hạn 1.812 trường hợp, tạm giữ 249 phương tiện…
Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề trong lĩnh vực giao thông vận tải của thành phố được lãnh đạo các sở, ngành liên quan phân tích làm rõ, nhất là quy hoạch, xây dựng hoàn thiện kết nối mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị và nâng cao năng lực hệ thống giao thông công cộng, tiến tới tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Riêng với việc tiếp nhận tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, đến nay, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai các phần việc thuộc phạm vi, thẩm quyền như: HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ giá vé đối với người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; liên ngành đề xuất Chủ tịch UBND thành phố quyết định ban hành giá vé tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông để thành phố ký ban hành khi chính thức tiếp nhận.
Ngoài ra, Hà Nội đã thực hiện dự án cải tạo hạ tầng phục vụ kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông bằng nguồn ngân sách thành phố; xây dựng và triển khai từng bước phương án kết nối tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông với mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn để phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác vận hành.
UBND thành phố đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiếp nhận đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị đầy đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết để tiếp nhận, vận hành.
MỸ LINH