Ảnh minh họa.
Đây là các trường nằm ở địa bàn vùng trũng, đường vào trường hoặc sân trường bị ngập nước, có nhiều gia đình học sinh phải đi sơ tán chưa thể đến trường học. Căn cứ tình hình cụ thể, các nhà trường đã triển khai phương án ứng phó linh hoạt. Đối với những trường chịu nhiều thiệt hại, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến hoặc gia đình ở vùng ngập, bị mất điện, nhà trường tạm thời cho học sinh dừng học hoặc hướng dẫn học tại nhà bằng các hình thức phù hợp. Một số trường tổ chức giảng dạy trực tuyến cho học sinh có đủ điều kiện học tập, sẵn sàng kế hoạch dạy bù cho học sinh khi trở lại trường.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP. Hà Nội, trong số 59 trường chưa thể đón học sinh tới trường học tập trực tiếp, có 20 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 18 trường THCS và 01 trường THPT.
Đơn vị duy nhất ở cấp THPT của thành phố chưa thể dạy học trực tiếp là Trường THPT Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), do đường vào trường còn ngập khá sâu, còn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho học sinh. Nhà trường đã chuyển trạng thái từ dạy - học trực tiếp sang dạy - học trực tuyến nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và hạn chế làm ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học 2024-2025.
Ghi nhận từ các trường học đã tổ chức dạy học bình thường trở lại cho biết, các nhà trường vừa tập trung khắc phục hậu quả do bão, vừa tổ chức dạy học với tinh thần bảo đảm an toàn cao nhất cho học sinh.
QUÝ NGUYỄN (t/h)
Sẽ xây dựng nhiều trung tâm quản lý điều hành giao thông trên các cao tốc