/ Tin tức
/ Hà Nội công bố danh sách dự kiến đề nghị khen thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024

Hà Nội công bố danh sách dự kiến đề nghị khen thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024

01/10/2024 06:23 |

(LSVN) - Ngày 30/9, Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) ban hành Công văn số 560/BTĐ-NV1 về việc lấy ý kiến nhân dân về danh sách các cá nhân dự kiến đề nghị khen thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024.

Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, căn cứ Quy trình xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” quy định tại Quyết định số 35/2024/QĐ-UBND ngày 28-5-2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”; để có thêm thông tin trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố (cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố) công bố danh sách và tóm tắt thành tích 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 để lấy ý kiến nhân dân.

Mọi ý kiến phản hồi gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố (Số 37 phố Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).

Sau đây là danh sách (xếp thứ tự theo vần A, B, C) và tóm tắt thành tích 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 để lấy ý kiến nhân dân:

1. Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, Giảng viên Cao cấp, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (sinh năm 1963):

Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước; Phó Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam; Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Hà Nội; Giảng viên Cao cấp - Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV. Trên 40 năm trực tiếp làm công tác giảng dạy, với các vị trí công tác là Trưởng khoa Bất động sản và Địa chính, Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ông đã trực tiếp và tham gia đào tạo nhiều thế hệ người học các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; trong số đó nhiều người là cán bộ, công chức, người lao động đã và đang công tác thuộc nhiều lĩnh vực của Thủ đô.

Cá nhân ông đã trực tiếp nghiên cứu nhiều đề tài khoa học: Đã công bố 60 bài khoa học, trong đó có 15 bài trên các tạp chí, hội thảo khoa học quốc tế; tham gia biên soạn 25 cuốn sách, trong đó sách viết riêng 5 cuốn, chủ biên 5 cuốn; tham gia nghiên cứu 36 đề tài khoa học, trong đó chủ nhiệm 01 đề tài cấp nhà nước; thư ký 01 đề tài cấp nhà nước; chủ nhiệm 15 đề tài cấp bộ và tương đương.

Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, ông được giao chủ trì tham mưu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trì tham mưu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 4 huyện: Thanh Trì, Thạch Thất, Hoài Đức, Mê Linh; chủ nhiệm 3 đề tài khoa học cấp thành phố Hà Nội.

Là đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, ông luôn tích cực đóng góp vào diễn đàn Quốc hội và các vấn đề liên quan đến Thủ đô. Là thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình 01X-10KH&CN thành phố, ông luôn có nhiều đóng góp tích cực với tinh thần trách nhiệm cao cho Chương trình. Là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Hà Nội, ông đã có nhiều đóng góp vào các tham vấn ý kiến của Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội.

Với những đóng góp trên, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Chủ tịch nước phong tặng Nhà giáo nhân dân năm 2024.

2. Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (sinh năm 1951):

Là một nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật dân ca truyền thống, bà luôn dành trọn vẹn tình yêu, lòng đam mê với nghệ thuật dân ca truyền thống, đặc biệt là hát xẩm và đạt nhiều giải cao tại các hội thi, liên hoan: Huy chương vàng Liên hoan hát Văn và hát Chầu văn khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2010, Huy chương vàng tiết mục hát Xẩm Nhị tình tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng đàn, hát dân ca khu vực Bắc Trung bộ và Châu thổ sông Hồng năm 2015...

Với mong ước lan tỏa sức sống của âm nhạc dân gian trong đời sống cộng đồng, bà dành nhiều thời gian và tâm huyết, tổ chức nhiều lớp truyền dạy miễn phí những lời ca, điệu hát cổ truyền cho người dân trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là bộ môn hát xẩm, hát văn, hát sênh tiền. Bà đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thành lập và phát triển Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân với vai trò làm chủ nhiệm, dạy miễn phí cho hội viên. Sau hơn 15 năm thành lập, Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân đã ngày càng phát triển, hội viên sinh hoạt định kỳ vào tối thứ sáu hằng tuần. Từ năm 2009 đến nay, bà đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy miễn phí bộ môn hát xẩm, hát văn, hát sênh tiền cho các tổ chức, nhà trường và ở khu dân cư. Qua các hoạt động, bà đã truyền lại niềm say mê với những điệu hát xẩm, hát văn, những điệu chèo cổ đến những thế hệ sau này, góp phần nhỏ bé trong việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa nghệ thuật truyền thống của đất Hà thành xưa.

Ngoài ra, bà luôn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện và động viên các thành viên Câu lạc bộ cùng tham gia; tích cực ủng hộ các cuộc vận động nhân đạo từ thiện do các cấp phát động.

Với những đóng góp trên, bà đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2011. Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân năm 2022. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2023. Nhiều lần được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.

3. Ông Hoàng Quốc Hải, hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội (sinh năm 1938):

Với tình yêu Hà Nội, trong sự nghiệp làm báo, viết văn của ông, riêng về Hà Nội ông đã có trên 2.000 bài viết phản ánh trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, đời sống xã hội... của Thủ đô. Đồng thời ông có nhiều tác phẩm sâu sắc viết về Hà Nội, tiêu biểu như: Làng trong phố, Chờ đến ngày mai, Con đường phía trước, Ký sự ven hồ (được xuất bản ngày 10-10-2014). Văn hóa - phong tục, Tập văn I, II, III; Kẻ sĩ trước thời cuộc (phê bình - chính luận - chân dung văn học)…

Đặc biệt là 2 bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” (6 tập), “Tám triều Vua Lý” (4 tập) với 6.500 trang. Ông tham gia đóng góp tại nhiều diễn đàn, hội thảo về văn hóa - lịch sử - văn chương - thời sự xã hội; đi nói chuyện về văn hóa, lịch sử tại nhiều trường đại học, các trung tâm Phật giáo trong cả nước và Hà Nội.

Với những đóng góp trên, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất. Năm 2017, ông được tặng “Giải thưởng Nhà nước” cho bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần”; Giải ‘Thành tựu văn học trọn đời’ của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2020. Năm 2008, ông được tặng Giải thưởng "Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội".

4. Bà Đào Thanh Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân (sinh năm 1976):

Với ước nguyện tạo cho các con mắc chứng tự kỷ nói riêng và người khuyết tật nói chung có một môi trường học tập, làm việc hạnh phúc, bà đã nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi, thực hiện khởi nghiệp ý tưởng của sáng kiến “Triển 4 khai mô hình giáo dục đặc biệt hỗ trợ thanh, thiếu niên, người khuyết tật, tự kỷ phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Mô hình đã được áp dụng trên địa bàn Hà Nội đã đoạt Giải thưởng Cuộc thi “Ý tưởng sản phẩm sáng tạo của Phụ nữ Thủ đô năm 2023”; đoạt giải Nhì trong cuộc thi “Đổi mới sáng tạo vùng Thủ đô năm 2023”.

Tháng 8-2023, bà được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ trao danh hiệu “Nhà hoạt động xã hội châu Á - Thái Bình Dương”. Tháng 12-2023, bà được Hội đồng giáo sư và Hội đồng khoa học Trường Đại học Apollos (Hoa Kỳ) công nhận và phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự ngành giáo dục đặc biệt trong Diễn đàn “Khoa học và Kinh tế toàn cầu năm 2023” diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ.

Là thành viên, hội viên của Mạng lưới hỗ trợ phát triển nghề cho người khuyết tật Việt Nam, ngoài giờ làm việc hành chính, bà luôn dành thời gian tham gia tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, quản trị vận hành cho các nhà lãnh đạo các cơ sở giáo dục đặc biệt và các hoạt động mang lại lợi ích, đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho người khuyết tật.

Với những đóng góp trên, nhiều lần bà được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen, năm 2024 được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua thành phố. Năm 2023 được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu".

5. Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa IX, lão thành cách mạng, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (sinh năm 1930):

Trên 53 năm tham gia quân đội, ông đã có rất nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nói chung và bảo vệ, xây dựng Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Khi nghỉ hưu năm 1997, ông đã tham gia sinh hoạt tại Chi hội Cựu chiến binh số 14, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Ông luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, phát huy tốt bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, tích cực tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền và Hội Cựu chiến binh phường; có nhiều đóng góp “Nghĩa tình đồng đội”, các hoạt động của địa phương và quê hương; tích cực giao lưu, nói chuyện giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong phường, quận và một số đơn vị, địa phương.

Ông đã đề xuất thành lập Ban liên lạc truyền thống Quân chủng Phòng không - Không quân và Quân khu Thủ đô, đồng thời tham gia nhiều chương trình, kế hoạch xây dựng, tôn tạo Nhà bia, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội; Nhà trưng bày tại Quân chủng Phòng không - Không quân và thành phố Hà Nội.

Riêng ông và gia đình đã đóng góp hàng trăm triệu đồng; ngoài ra, còn vận động gia đình giúp đỡ một số thương binh, gia đình liệt sĩ và bạn chiến đấu có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 1997 đến nay, gia đình ông đã ủng hộ các quỹ khuyến học, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, chữ thập đỏ... trên 500 triệu đồng.

Với những đóng góp trên, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô.

6. Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, Chuyên gia pháp luật, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; Trưởng nhóm Chuyên gia sửa đổi Luật Thủ đô (sinh năm 1954):

Trong thời gian công tác tại Viện Khoa học pháp lý (nay là Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý) thuộc Bộ Tư pháp, bà luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn và quản lý được giao. Cá nhân là Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước “Thể chế xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay” và tham gia nghiên cứu, trực tiếp tham gia soạn thảo một số nghị quyết quan trọng của Đảng về pháp luật, tư pháp và nhiều bộ luật.

Với thành phố Hà Nội, cá nhân bà đã có nhiều đóng góp như: Là thành viên Tổ biên tập của Bộ Tư pháp soạn thảo Luật Thủ đô năm 2012; là trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của UBND thành phố Hà Nội tham gia xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012; xây dựng chính sách cơ bản của Luật Thủ đô sửa đổi; thực hiện và lập Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô sửa đổi; cùng các sở, ngành của Thủ đô tham gia xây dựng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tham gia soạn thảo Luật Thủ đô sửa đổi trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy vào tháng 6-2024.

Ngoài ra, bà là thành viên Hội đồng tư vấn tuyển chọn và Hội đồng đánh giá kết quả nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, trong đó có những đề tài phục vụ trực tiếp việc xây dựng Luật Thủ đô như: Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; đề tài về phân quyền, phân cấp cho chính quyền các cấp tại thành phố Hà Nội, về đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế các cơ quan thuộc UBND thành phố Hà Nội; tích cực tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý ở thành phố Hà Nội.

Với những đóng góp trên, bà đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen. Năm 2012, bà được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng thưởng danh hiệu "Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu".

7. Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội (sinh năm 1949):

Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khóa XIII. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIV, XV, Phụ trách Chỉ đạo Thành ủy thành phố Hà Nội khóa XVI, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI.

Trước đó, ông từng giữ các cương vị khác như Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Trong thời gian 10 năm (hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2006 đến năm 2016), trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô, trong đó có những đóng góp nổi bật như: Lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân xây dựng và hoàn thành hàng trăm công trình lớn trên địa bàn thành phố; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; cùng với tập thể Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô; đã có những đóng góp cá nhân quan trọng trong 10 năm xây dựng và phát triển của Thủ đô, thành phố Hà Nội được ghi nhận có bước phát triển vượt bậc, là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô và đất nước, góp phần nâng cao vị thế, tầm vóc của Thủ đô Hà Nội.

Với những đóng góp trên, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Ba; 2 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh.

8. Ông Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội (sinh năm 1948):

Cá nhân ông đã từng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (1995-1999); Trưởng ban Tuyên giáo, kiêm Trưởng ban Đại học Thành ủy Hà Nội (1998-2001). Năm 2001, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX và giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội (2001-2006).

Năm 2006, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X và giữ chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (2006-2011). Năm 2011, ông được cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Khoa học Chính trị tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hiện ông là chuyên gia tư vấn Hội đồng Khoa học các cơ quan dân đảng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương. Ông là thành viên Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XI, XII, XIII, XIV của Đảng; tham gia tư vấn xây dựng dự thảo một số văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ khóa XI đến khóa XIV; chủ trì nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cấp Nhà nước; trực tiếp tham gia truyền đạt Nghị quyết của Đảng, báo cáo chuyên đề cho nhiều cơ quan Trung ương và các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Trong thời gian công tác tại Hà Nội (1998-2006), ông luôn nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Cá nhân ông trực tiếp chủ trì chương trình khoa học cấp Nhà nước về phát huy các tiềm lực, nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh, bền vững phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; tham gia Ban Chỉ đạo chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của Thành ủy Hà Nội, phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; tham gia tổng kết 35 năm Thủ đô đổi mới và tham gia tổng kết một số Nghị quyết của Đảng về Hà Nội, một số sự kiện lịch sử trọng đại, dự án quan trọng của Thủ đô; thường xuyên cộng tác với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong… trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, tuyên truyền, bồi dưỡng cán bộ.

Với những đóng góp trên, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng Nhà giáo ưu tú; Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2016; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2022; Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước Lào trao tặng năm 2009.

9. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y học, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (sinh năm 1954):

Là chuyên gia đầu ngành phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và cột sống Việt Nam, ông đã có nhiều đề tài ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phẫu thuật chăm sóc sức khỏe nhân dân trên cả nước và Thủ đô, đảm bảo an toàn và hiệu quả, như: Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống bằng sóng cao tần và trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phẫu thuật nội soi. Là người đi đầu trong việc thực hiện phẫu thuật rô-bốt định vị chính xác trong phẫu thuật cột sống để cố định cột sống trong điều trị các bệnh lý cột sống như trượt đốt sống, vẹo cột sống; phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Cá nhân ông có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước như: “Nghiên cứu thực trạng, các yếu tố nguy cơ và các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống”. Đề tài được tiến hành tại các bệnh viện và trung tâm nghiên cứu lớn trong cả nước như: Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Học viện Quân y...; “Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ, các phương pháp điều trị loãng xương và biến chứng của loãng xương”; “Nghiên cứu ứng dụng ghép tế bào gốc tủy xương điều trị chấn thương cột sống liệt tủy hoàn toàn”. Chủ nhiệm Đề tài cấp bộ: Thử nghiệm lâm sàng: Ứng dụng ghép tế bào gốc mô mỡ tự thân trong điều trị chấn thương cột sống liệt tủy hoàn toàn…

Ông có nhiều đóng góp trong việc chuyển giao nhiều kỹ thuật phẫu thuật cột sống phục vụ cho người bệnh như: Bơm xi măng, sóng cao tần, chấn thương cột sống… cho các bệnh viện trong nước và quốc tế, trong đó có các bệnh viện của thành phố Hà Nội. Trong công tác đào tạo, ông cũng đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn cho nhiều bác sĩ, học viên trên cả nước và thành phố Hà Nội.

Với những đóng góp trên, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Thầy thuốc ưu tú năm 2005; Thầy thuốc nhân dân năm 2012; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009, hạng Nhì năm 2014, hạng Nhất năm 2019; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2007, 2011; Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2014; Chiến sĩ thi đua cấp bộ năm 2009, 2011 và nhiều năm được Bộ Y tế tặng Bằng khen. Ông được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2014 với thành tích “Đột phá vì cộng đồng”; đoạt giải Nhất Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2015: “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đĩa đệm và cột sống”.

10. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa (nguyên Trưởng Công an phường Láng Thượng) (sinh năm 1981):

Láng Thượng là địa bàn phức tạp, có diện tích rộng, quá trình đô thị hóa nhanh, nhân khẩu đông. Trước năm 2015, phường Láng Thượng là một địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Nhận trọng trách Trưởng Công an phường Láng Thượng (từ năm 2015 đến 31-1-2024), ông đã luôn chú trọng bám sát địa bàn, cùng tập thể Ban chỉ huy đơn vị có những giải pháp, biện pháp phù hợp lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ; tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn địa bàn phụ trách.

Phường Láng Thượng từ một phường trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự đến nay đã được chuyển hóa thành địa bàn ổn định về an ninh trật tự; tội phạm về hình sự, ma túy năm sau giảm so với năm trước; không còn hoạt động mại dâm cũng như hoạt động của các đối tượng hình sự bảo kê chăn dắt, chứa chấp gái dịch vụ trên địa bàn. Do vậy, Công an phường luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tập thể Công an phường Láng Thượng liên tục đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng trở lên, trong đó có 5 năm liên tục (từ 2017 đến 2021) được tặng Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội.

Trên 20 năm trong nghề, gắn bó với cơ sở, gần dân, sát dân, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi nhiệm vụ, trực tiếp chỉ đạo, khám phá nhiều vụ án lớn, gây xôn xao dư luận. Đặc biệt, để triển khai thực hiện 2 chiến dịch lớn về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân gắn chip, ông đã nghĩ ra nhiều cách làm sáng tạo, qua đó Công an phường Láng Thượng là một trong những đơn vị hoàn thành sớm chỉ tiêu cấp căn cước công dân.

Với những đóng góp trên, ông đã 2 lần được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân (2018, 2021). Năm 2023 ông là một trong số các Chiến sĩ thi đua toàn quốc vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an trao danh hiệu tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến; được Bộ Công an giới thiệu và được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen, Giám đốc Công an thành phố tặng Giấy khen.

PV (t/h)

Nguyễn Mỹ Linh