Ảnh minh họa.
Sự việc diễn ra từ khi Toà án nhân dân huyện Sóc Sơn xét xử vụ án ly hôn gia đình ngày 30/9/2021 giữa anh Ngô Văn H. và chị Lê Thị N. ở xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tại phiên toà sơ thẩm này, Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn tuyên anh H. được hưởng 65% tổng giá trị tài sản và 2/3 diện tích đất ở, còn chi N. được hưởng 35% tổng giá trị tài sản và 81m2 đất ở và 1 mảnh đất nông nghiệp có diện tích 180m2 bị bỏ hoang không thể canh tác được và không có lối vào để sử dụng. Chính vì điều này, cả anh H. và chị N. đều cho rằng không công bằng và cùng làm đơn kháng cáo lên Toà án nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu xét xử lại. Đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cũng ra Quyết định số 05 ngày 29/10/2021 kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án số 52 ngày 30/9/2021 của Toà án nhân dân huyện Sóc Sơn vì thiếu chính xác.
HĐXX có công bằng, chính xác?
Theo chị N. cho biết, Bản án số 44 ngày 17/5/2022 của toà phúc thẩm, Toà án nhân dân TP. Hà Nội, Thẩm phán Trương Thành Trung, Chủ tọa phiên toà đã tuyên gồm tài sản chung của hai vợ chồng được chia đều 50% tổng giá trị tài sản. Nhưng mảnh đất ở có diện tích 240m2 thì toà lại tuyên chỉ cho chị N. và anh H. hưởng 30% giá trị đất ở được tính bằng tiền, tương đương mỗi người hưởng 15% giá trị đất ở. Còn lại tuyên trả cho bố mẹ anh H. Đồng thời tuyên chia cho chị N. 01 mảnh đất nông nghiệp có diện tích 180m2 không thể sử dụng được vì bỏ hoang quá lâu và không có lối vào để canh tác. Việc tuyên chia đất ở và đất nông nghiệp như vậy, chị N. bức xúc cho rằng có sự “mập mờ” không khách quan, minh bạch và chưa chính xác, công bằng của Toà án nhân dân TP. Hà Nội.
Sau phiên tòa phúc thẩm và nhận được bản án, chị N. bức xúc chia sẻ: "Tại phiên tòa phúc thẩm, Toà án nhân dân TP. Hà Nội đã sửa bản án sơ thẩm tuyên bác bỏ việc chia 81m2 đất ở cho tôi, không chấp nhận ý kiến của Kiểm sát viên rằng chia cho tôi 61m2 đất ở,... Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên cho tôi hưởng 15% giá trị đất ở bằng tiền mặt với lý do rất thiếu căn cứ pháp lý rằng bố mẹ chồng tôi được quyền hưởng mảnh đất đó. Thực tế, bố mẹ chồng tôi chưa từng ở mảnh đất đó, chưa từng tôn tạo mảnh đất đó. Trong khi tôi là phụ nữ nuôi con nhỏ ăn học, không có nhà cửa và đất đai để ở, phải đi thuê trọ.
Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên chia cho tôi như vậy là thiếu chính xác, không công bằng và không khách quan bởi lẽ mảnh đất 240m2 mà chúng tôi đang sinh sống xây dựng nhà cửa, trồng cây từ khi ra ở riêng (năm 1999 - 2000) cho đến nay, là do bố mẹ chồng cho ra ở riêng và sử dụng mảnh đất đó, không có tranh chấp với bất kỳ ai. Lý do toà đưa ra là đất của bà Ngô Thị Hoạt và bố mẹ chồng tôi là người được hưởng là không đúng pháp luật, thiếu căn cứ. Mảnh đất này là do HTX giao trái thẩm quyền cho bà cô chồng tôi từ lâu và thực tế tôi và anh H. chung sống với nhau và ra ở riêng trên mảnh đất đó từ năm 1999-2000 đến nay, công tôn tạo đất và trồng cây, xây nhà kiên cố mà không hề có tranh chấp với bất kỳ ai, tiền thuế đất và mã số thuế, bản đồ đo đạc đất đai, hợp đồng điện đều mang tên anh Ngô Văn H.".
HĐXX công nhận đất giao trái thẩm quyền là đúng luật?
Trước sự việc trên ông Hoàng Chí Nguyện, Thẩm phán, Chánh toà Lao động, Toà án nhân dân TP. Hà Nội trao đổi với PV: “Nội dung Bản án phúc thẩm số 44 ngày 17/5/2022 là quan điểm của HĐXX, của Toà án. Thẩm phán độc lập tuân theo pháp luật, khi xử thì phải thực hiện theo đa số ý kiến, quan điểm của HĐXX nói riêng và đây là quan điểm của Toà án thể hiện bằng bản án. Còn căn cứ để chấp nhận hay không chấp nhận đều được lập luận, căn cứ vào luật Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân gia đình. Khi ban hành bản án thì không ai có quyền sửa đổi nội dung của bản án, nếu các đương sự không nhất trí với bản án thì có quyền làm đơn khiếu nại gửi đến Chánh án Toà án nhân dân Cấp cao Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội để thực hiện quyền kháng nghị. Việc đúng sai do HĐXX chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Căn cứ vào Bản án số 44 ngày 17/5/2022 của Toà án nhân dân TP. Hà Nội và những chứng cứ thu thập được, bà Nguyễn Thị Thuý Kiều, Văn phòng Luật sư Bắc Trung Nam, người bảo vệ quyền lợi cho chị N. tại phiên toà sơ thẩm phân tích cho biết: “UBND xã Tân Minh có xác nhận với Toà án nhân dân huyện Sóc Sơn là đất này do HTX phân cho bà Hoạt thời điểm đó là không đúng với thẩm quyền giao đất của HTX. Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cũng đã kháng nghị hủy bản án sơ thẩm về việc này. Việc giao đất không đúng thẩm quyền như vậy đồng nghĩa với việc không có giá trị về mặt pháp lý của mảnh đất nói trên, mà anh H. và chị N. đã sử dụng mảnh đất đó từ năm 1999 đến nay nên việc chia đất cho gia đình nhà chồng chị N. là không đúng pháp luật.
Việc Toà án nhân dân TP. Hà Nội công nhận 240m2 đất giao sai thẩm quyền cho một người đã mất mà người đó chưa từng ở và sử dụng đất ngày nào, trong khi chị N. và anh H. đã sử dụng hơn 20 năm nay, có công tôn tạo, san lấp, trồng cây lâu năm và xây dựng nhà 3 tầng kiên cố thì toà lại gạt bỏ không công nhận và chỉ cho hưởng mỗi người 15% giá trị đất là điều hoàn toàn trái với Luật Đất đai 2013. Việc chia 180m2 đất nông nghiệp cho chị N. là một mảnh đất hoang không thể canh tác và không có lối vào, không phải mảnh đất nông nghiệp liền kề 240m2 đất ở là một điều rất bất công”.
“Việc tòa tuyên khá lắt léo để đạt mục đích bênh vực bị đơn và những người liên quan, thiếu sự minh bạch, khách quan gây khó khăn cho người phụ nữ và bé gái vị thành niên, không tuân thủ pháp luật.”. bà Kiều cho hay.
HOÀNG BẢO
Hướng dẫn cụ thể về đối tượng, trình tự, thủ tục tiến hành xét đặc xá