Ảnh minh hoạ.
UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo tình hình soạn thảo Luật Thủ đô sửa đổi và xin ý kiến các đơn vị liên quan một số nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Theo đó, những địa điểm bị đề nghị cắt điện nước gồm công trình xây dựng không phép, trái phép; vi phạm trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã hoạt động; cơ sở kinh doanh vũ trường, bar, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Lý giải đề xuất này, UBND TP. Hà Nội cho biết hình thức cắt điện nước với các công trình vi phạm trước đây được nêu trong Nghị định 180 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003. Luật Xây dựng năm 2014 không còn quy định này, gây khó khăn trong xử lý vi phạm tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước vì ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, can thiệp bất hợp lý vào quan hệ dân sự giữa các chủ thể. Việc này cũng ảnh hưởng đến đời sống của người không vi phạm hành chính, ví dụ cắt điện nước tại nhà chung cư trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư, người dân lại có lợi ích liên quan.
Tại dự thảo Luật, UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất giao Chủ tịch UBND thành phố, người đứng đầu cơ quan chuyên môn được tuyển dụng không qua thi tuyển những người có năng lực ở khu vực ngoài Nhà nước; hay xác định không gian ngầm đô thị.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua cuối năm 2012, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013 với mong muốn tạo đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật bộc lộ nhiều hạn chế, chưa xử lý được các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại như ùn tắc giao thông, thoát nước, nhà tập thể cũ, di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học ra khỏi khu trung tâm.
MINH QUÝ
Xử lý 2.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn ngày thứ hai kỳ nghỉ lễ