Ảnh minh họa.
Theo đó, đường Vành đai 3 có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của thành phố, vừa là trục giao thông đối nội, vừa là trục giao thông quá cảnh kết nối giao thông nhiều tỉnh, thành với trung tâm thành phố; đặc biệt lưu lượng xe di chuyển trên tuyến đường này rất lớn. Theo quy hoạch giao thông vận tải thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt, trên tuyến Vành đai 3 dự kiến sẽ đầu tư, xây dựng đồng bộ 2 nút giao khác mức, gồm: Nút giao Hoàng Quốc Việt - Vành đai 3 và nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3.
Hiện tại, Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và Dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Vì vậy, theo Ban QLDA, việc triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 2 nút giao trên là cần thiết.
Trong thời gian vừa qua, việc nghiên cứu xây dựng 2 nút giao trên được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Ban Quản lý dự án Thăng Long triển khai nghiên cứu đầu tư từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản - JICA. Tuy nhiên, theo ý kiến của 2 cơ quan này thì việc đầu tư 2 dự án trên là khó thực hiện do thời gian Hiệp định vay hạn hẹp. Vì vậy, Ban QLDA đề xuất Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 hầm chui nêu trên.
Đối với Dự án hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3, năng lực thiết kế dự kiến có mặt cắt ngang hầm B=31,5m; 8 làn xe. Chiều dài hầm kín là 275m; hầm hở mỗi bên 100m… với tổng mức đầu tư khoảng 1.025 tỉ đồng. Đối với Dự án hầm chui tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Vành đai 3, dự kiến thiết kế mặt cắt ngang hầm hơn 20m, đảm bảo 4 làn xe. Chiều dài hầm kín 11m, hầm hở mỗi bên 95m… với tổng mức đầu tư khoảng 975 tỉ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện đối với 2 dự án này từ năm 2022 đến năm 2025.
PV
Các hình thức liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp từ 20/5