Ảnh minh hoạ.
Theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, giá vé xe buýt Hà Nội lượt cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng; từ 25 km đến dưới 30km tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng.
Vé tháng sẽ có mức tăng trung bình lên tới 40%. Học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt. Các đối tượng khác vé một tuyến là 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng), vé liên tuyến 280.000 đồng (hiện 200.000 đồng).
Thành phố hiện có 153 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 128 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. Giai đoạn 2015 - 2019, thành phố đã trợ giá trung bình 1.371 tỉ đồng/năm; giai đoạn 2020 - 2022 trợ giá trung bình 2.230 tỉ đồng/năm (riêng năm 2022 trợ giá là 2.991 tỉ đồng, dự kiến năm 2023 trợ giá 2.754 tỉ đồng). Trong đó, ngân sách TP Hà Nội hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước và miễn tiền vé với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Nếu tăng như đề xuất, doanh thu bán vé tăng khoảng 300 tỉ đồng mỗi năm. Sở GTVT Hà Nội dự báo khi mới tăng giá vé, số khách có thể giảm, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Năm 2014, khi điều chỉnh giá vé, hành khách đi vé tháng giảm 3%, nhưng doanh thu tăng 15%, vé lượt giảm 10%, doanh thu tăng 20%.
PV
Hà Nội phối hợp đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kỳ thi THPT Quốc gia