Thời điểm gần đây tại Hà Nội, chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội liên tiếp ở mức rất xấu (đỏ), có thời điểm ở mức nguy hại (tím) cho thấy ô nhiễm không khí đang ở mức độ nghiêm trọng.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khi khối không khí lạnh suy giảm, Hà Nội sẽ lặng gió (tốc độ gió dao động trong khoảng 0,3 - 1,3 m/s), nền nhiệt hạ thấp, có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Thời tiết thay đổi, khói bụi tích tụ lại không thể phát tán lên cao, hình thành sương mù dày đặc bao phủ Thành phố vào các buổi sáng.
Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí chính là bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả, kết hợp yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa. Bên cạnh đó, ô nhiễm còn xuất phát từ việc người dân đốt rơm rạ, sử dụng bếp than tổ ong, rác thải ùn ứ không được vận chuyển đến bãi xử lý…
Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP. Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra rất phổ biến. Đa số bụi bẩn xuất phát từ việc các công trình xây dựng không có màn che chắn cẩn thận, lưới chắn, không rửa xe ôtô khi vào, ra công trình, xe làm rơi nhiều bụi bẩn trên đường phố. Điều này gây ảnh hưởng tới người dân sống tại khu vực xung quanh công trình và cả những người tham gia giao thông.
Thực tế, tại nhiều công trình, dự án, chủ đầu tư cũng đã có một số biện pháp để giảm tải ô nhiễm như rửa xe chở vật liệu từ công trường đi ra, sử dụng xe tưới rửa mặt đường gần công trường thi công… Tuy nhiên, tất cả các hành động này vẫn chỉ ở mức hình thức, không được chú trọng.
Ở một số công trình, công trường xây dựng, các nhà thầu, chủ đầu tư, người quản lý dự án đã tiến hành lắp camera giám sát để theo dõi, kiểm tra, giám sát từ xa các hoạt động xây dựng, kiểm tra tình hình, quản lý công nhân viên và tiến độ thi công. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên địa bàn TP. Hà Nội, việc lắp camera giám sát chưa được thực hiện, các công trình ngang nhiên xả khí bụi độc hại ra môi trường.
Theo các chuyên gia, Hà Nội nên sớm tiến hành lắp đầy đủ camera giám sát công trình khi đang thi công, công trường, công trình xây dựng, đặc biệt là giám sát công trình lớn, dự án sửa sang đường phố. Đây chính là phương tiện để giám sát chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm, làm ô nhiễm không khí, phát tán khí bụi độc hại ra môi trường. Đồng thời giúp cơ quan chức năng, quản lý dự án, chủ đầu tư nắm được tình hình và có biện pháp xử lý để bảo vệ môi trường kịp thời và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cần quản lý chặt chẽ công trình, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các hoạt động phá dỡ, thi công, xây dựng; các kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trước khi xây dựng. Các đơn vị thi công hè, đường phải làm gọn, không để vương vãi cát, xi măng, phế thải sau khi thi công để đảm bảo chống khí bụi độc hại.
Công nhân thi công phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không thực hiện các hành vi xả thẳng khí thải mà cần tiến hành che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, tiến hành phun nước, rửa đường… thường xuyên sau khi thi công, phá dỡ, xây dựng, đảm bảo mỹ quan đô thị cho Thủ đô.
THÚY QUỲNH