Ảnh minh họa.
Cụ thể, ngoài các đối tượng đang được thụ hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội đang đề xuất với thành phố có chính sách đặc thù hỗ trợ thêm cho 10 nhóm lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 như: hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội, giáo viên các trường tư thục không được cơ sở ký hợp đồng, người không đóng BHXH.
Bên cạnh đó, đối với một số nhóm lao động khác, Sở này cũng đang lấy ý kiến quận huyện để bổ sung thêm.
Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tính đến ngày 12/8, toàn thành phố đã duyệt chi kinh phí hỗ trợ hơn 152 tỉ đồng và thực hiện chi trả trên 143 tỉ đồng cho lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Trong đó, giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 88.250 đơn vị, với 1,47 triệu lao động, kinh phí hơn 101 tỉ đồng; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí tử tuất cho 34 đơn vị, hơn 2.900 lao động, số tiền hơn 20,5 tỉ đồng; phê duyệt hồ sơ cho 1.123 lao động tạm hoãn hợp đồng nghỉ việc không hưởng lương, kinh phí 4,7 tỉ đồng; hỗ trợ 16 lao động ngừng việc số tiền 25 triệu đồng; hỗ trợ cho gần 19.500 trường hợp F0, F1, trẻ em. Nhóm lao động tự do, các quận huyện đã phê duyệt chi trả cho 5.170 người, với kinh phí 7,75 tỉ đồng.
Trước đó, cuối tháng 7, Hà Nội cũng đã phê duyệt hỗ trợ nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, gồm: lao động làm thuê trong quán karaoke, vũ trường, quán bar, quán game, quán ăn, quán bia, quán cà phê, quán nước vỉa hè; lao động bán hàng rong, bán hàng tại chợ cóc, chợ tạm; lao động làm thuê cho cửa hàng cắt tóc, gội đầu; lao động thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa,...
PHƯƠNG HUYỀN
Bổ sung đối tượng đoàn viên, người lao động được chi hỗ trợ khẩn cấp