Ảnh minh hoạ.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, đơn vị này vừa trình Thành phố Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Thủ đô. Điểm đáng chú ý tại Đề án là việc bổ sung 5 tuyến mới và điều chỉnh lộ trình 3 tuyến đã được quy hoạch trước đó. Đề án cũng nêu rõ các giai đoạn cụ thể với từng dự án ưu tiên.
5 tuyến ĐSĐT mới đều dự kiến sẽ đầu tư vào giai đoạn từ sau năm 2035 - 2045. Thời điểm này, Hà Nội có thể sử dụng ngân sách và vốn thu hồi từ mô hình TOD để đầu tư. Dự kiến sẽ chỉ phải vay chưa đến 10% vốn đầu tư cho cả 5 tuyến mới. Tổng mức đầu tư cho các tuyến ĐSĐT giai đoạn sau 2035 - 2045 dự kiến khoảng trên 18,6 tỉ USD.
Được biết, 5 tuyến ĐSĐT được đề xuất bổ sung gồm:
- Tuyến 1A Ngọc Hồi - sân bay thứ 2 phía Nam; lộ trình: Ngọc Hồi - đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên - Sân bay thứ 2.
- Tuyến số 9 Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá; lộ trình: Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá.
- Tuyến số 10 Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa; lộ trình: Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình - Yên Nghĩa.
- Tuyến 11 Vành đai 2 - Trục phía Nam - Sân bay thứ 2 phía Nam; lộ trình: Vành đai 2 - đường Hà Nội - Xuân Mai - đường trục phía Nam - Sân bay thứ 2.
- Tuyến 12 Xuân Mai - Phú Xuyên; lộ trình: Xuân Mai - Quốc lộ 21- đường trục Bắc Nam - đường Đỗ Xá - Quan Sơn - Phú Xuyên.
Về đề xuất này, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, đối với hệ thống ĐSĐT, việc mở rộng quy hoạch, bổ sung thêm một số tuyến mới là rất cần thiết. Bởi tốc độ đô thị hóa của Hà Nội rất nhanh, nhu cầu đi lại bằng vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là ĐSĐT của người dân cao gấp nhiều lần khi lập quy hoạch cũ. Bên cạnh đó, thành phố đã xác định xây dựng chùm đô thị theo định hướng TOD (lấy ĐSĐT là hạt nhân trung tâm). Vì vậy việc mở rộng quy hoạch ĐSĐT còn có ý nghĩa rất quan trọng với định hướng phát triển theo mô hình TOD của Thủ đô.
MINH ANH