/ Kinh tế - Pháp luật
/ Hà Nội: Doanh nghiệp lúng túng trong việc xin cấp giấy đi đường mới

Hà Nội: Doanh nghiệp lúng túng trong việc xin cấp giấy đi đường mới

06/09/2021 10:02 |

(LSVN) – Ngày 05/9, Công an TP. Hà Nội đã thông báo phương án chính thức liên quan việc duyệt, cấp giấy đi đường. Do thời gian xin cấp giấy đi đường quá gấp gáp, cộng thêm nhiều thủ tục hành chính mới phát sinh, các công ty doanh nghiệp đang loay hoay trong việc xin cấp mới giấy đi đường để không bị gián đoạn hoạt động trong thời gian áp dụng giấy đi đường mới.

Lực lượng chức năng kiểm soát trong ngày đầ thực hiện giấy đi đường mới.

Doanh nghiệp và chính quyền đều loay hoay

Theo thông báo của Công an Hà Nội, sẽ áp dụng kiểm soát giấy đi đường ngay từ ngày 06/9 nhưng trong 2 ngày 04/9, 05/9 lại rơi vào cuối tuần nên các doanh nghiệp đang rất lúng túng để đưa ra kế hoạch đảm bảo sản xuất kinh doanh. Đang trong ngày nghỉ lại chưa có sự hướng dẫn cụ thể nên khá nhiều công ty doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn trong vấn đề hoàn tất được thủ tục xin cấp giấy đi đường mới. Chỉ vài tiếng sau khi có thông tin chính thức từ Công an TP. Hà Nội về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại Vùng 1 theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, PV đã ghi nhận được các trường hợp doanh nghiệp đến các trụ sở cơ quan liên quan để xin cấp giấy đi đường.

Tại quận Hà Đông (Hà Nội), hầu như rất ít người dân, doanh nghiệp xuất hiện trực tiếp tại trụ sở Công an phường để làm các thủ tục liên quan giấy đi đường.

Ông Dương Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần VINAINCOM, LK12 (khu Cống Đồng, La Khê, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Nhân viên bên tôi đã liên hệ với Công an phường để được hướng dẫn nhưng Công an phường cũng nói cứ chuẩn bị danh sách nhân viên sáng mai có hướng dẫn cụ thể thì gửi danh sách qua đây sẽ hướng dẫn thưc hiện tiếp”.

Đến sáng ngày 06/9, khi đại diện công ty đến trụ sở Công an phường nơi cư trú để xin một số mẫu liên quan về hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy đi đường, tuy nhiên thời điểm đó vẫn chưa hoàn thành xong vì còn xét duyệt đối tượng nào trong công ty được cấp giấy đi đường.

“Tôi thấy có vẻ cả bên Công an lẫn bên doanh nghiệp đều lúng túng, thủ tục theo như nhân viên nói là có vẻ phức tạp hơn, mất thời gian hơn. Đồng ý là chống dịch nhưng phải có cách quản lý hợp lý không làm khó doanh nghiệp”, ông Sơn cho biết.

Một đại diện doanh nghiệp có trụ sở tại Ba Vì, Hà Nội chuyên cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng cho các siêu thị, cửa hàng tại nội thành cho biết, từ hôm qua đến nay ông gọi hàng chục cuộc điện thoại cho Công an xã theo số hotline để được hướng dẫn, công ty cũng đã huy động nhiều bộ phận nhân viên chạy đôn chạy đáo để đăng ký theo quy định giấy đi đường mới nhưng vẫn chưa xong.

“Trước tiên để hoạt động được trong địa bàn Ba Vì công ty chúng tôi phải xin giấy đi đường của Công an xã. Nhưng chúng tôi là doanh nghiệp giao hàng thiết yếu thực phẩm, nhân viên giao hàng nhiều địa điểm, trong trường hợp không cấp giấy vận chuyển thì doanh nghiệp làm thế nào? Thực tế nhiều khi có giấy đi đường rồi nhưng ở một vài chốt, cán bộ kiểm tra ở đó họ lại đòi hỏi nhân viên phải có giấy xét nghiệm test nhanh mới cho qua, điều đó gây tốn kém cho doanh nghiệp làm đội giá thành sản phẩm gây lãng phí cho xã hội nhất là thời điểm khó khăn như thế này. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi chỉ mong muốn có những quy định cụ thể và chi tiết dài hạn”, ông Chung chia sẻ.

Theo nhiều doanh nghiệp, thực tế ngay việc nhận định doanh nghiệp ở Nhóm 2 hay Nhóm 6 để xin phép cũng đã "đau đầu". Ngoài ra, chính quyền còn yêu cầu 3 mẫu đăng ký gồm: Công văn đề nghị, phương án sử dụng lao động, phương án phòng chống dịch lại chưa có hướng dẫn cụ thể khiến doanh nghiệp lúng túng.

Một lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải thực phẩm tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết, mỗi lần thay đổi chính sách, doanh nghiệp vất vả và chi phí tăng thêm rất nhiều, hồ sơ cấp giấy đi đường mới quá nhiều thủ tục.

Hiện tại doanh nghiệp này có hơn chục phương tiện chạy liên tỉnh để cung ứng thực phẩm cho các nhà phân phối, trong thời gian chờ cấp giấy, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể bị phạt đơn hàng giao chậm…

Giảm thiểu thủ tục hành chính

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid 19, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Một trong những giải pháp mà UBND thành phố đưa ra đó là tiếp tục gia hạn giãn cách xã hội và tăng cường kiểm soát nhằm hạn chế người dân ra đường bằng biện pháp giao thẩm quyền cho Công an cấp giấy đi đường cho công dân.

Có thể thấy rằng, dựa trên cơ sở Hiến pháp; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Công an nhân dân hiện hành thì chưa có quy định về thẩm quyền cấp giấy đi đường hoặc bất kỳ giấy thông hành nào của Công an nhân dân các cấp. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây hậu quả cho xã hội vô cùng lớn, chính vì vậy cũng có thể coi đây là trường hợp khẩn cấp, chưa có tiền lệ để xem xét sử dụng các biện pháp cũng như ban hành các văn bản phù hợp với tình thế cấp thiết.

Mặt khác, tuy rằng là trường hợp khẩn cấp, tình thế cấp thiết nhưng các quy định mới ban hành vẫn phải đảm bảo không trái với các quy định pháp luật, đảm bảo tôn trọng quyền con người (trong đó có quyền tự do đi lại theo Điều 23 Hiến pháp năm 2013). Đồng thời, đối với trường hợp cấp giấy đi đường thì cần phải xem xét đến toàn bộ các yếu tố phù hợp với thực tiễn, chẳng hạn như đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19… Trong khi đó, giảm thiểu thủ tục hành chính cũng là yếu tố cần thiết để làm sao quy định đơn giản, dễ hiểu và công dân dễ thực hiện.

Với quy trình hiện nay, có thể thấy rằng khá chung chung và khó thực hiện, nhiều bước không cần thiết, sử dụng nhiều nhân lực, thời gian thực hiện không thể nhanh được trong khi đó nhu cầu đi lại của công dân nhiều trường hợp là cấp thiết. Ngoài ra, việc tiến hành nhiều bước khiến tập trung đông người có thể dẫn tới lây lan dịch bệnh, nguy hiểm cho cộng đồng. Để khắc phục điều này, một trong những công cụ hữu hiệu đó là ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu tập trung đông người, tránh đi lại không cần thiết cho công dân và nhanh chóng tiện lợi.

Theo Luật sư Tâm, với các giải pháp công nghệ hiện nay, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể tiến hành các thủ tục đăng ký trực tuyến, trả kết quả trực tuyến vì kết quả chỉ cần mã QR hoặc mã số định danh. Khi kiểm soát trên hiện trường, người kiểm tra chỉ cần nhập mã số định danh hoặc quét QR là có thể hiển thị đầy đủ thông tin.

Nhóm PV

Các tỉnh tiêm xong mũi 01 cho người trên 18 tuổi trước 15/9/2021

Lê Minh Hoàng