/ Tin tức
/ Hà Nội dự kiến dừng hỗ trợ học phí từ năm học 2023-2024

Hà Nội dự kiến dừng hỗ trợ học phí từ năm học 2023-2024

16/05/2023 15:07 |

(LSVN) - Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã công bố dự thảo Nghị quyết về học phí năm học 2023-2024. Theo đó, phụ huynh có con học mầm non và THCS ở nội thành Hà Nội sẽ phải đóng học phí gần gấp đôi, từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng.

Ảnh minh hoạ. 

Trong dự thảo Nghị quyết về học phí năm học 2023 - 2024, các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn Hà Nội được chia thành 3 khu vực: thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số. Với học sinh vùng thành thị mức đóng 300.000 đồng/tháng, vùng nông thôn 100.000 - 200.000 đồng, vùng dân tộc thiểu số 50.000 - 100.000 đồng. Mức này bằng với học phí năm 2022 và tăng gần 2 lần so với năm 2021. 

Năm 2022, Hà Nội quyết định tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, thành phố đã chi hơn 1.100 tỉ đồng để cấp bù phần chênh lệch tăng so với năm 2021 và hỗ trợ 50% học phí. Do đó, số tiền thực đóng của phụ huynh năm 2022 không tăng so với 2021.

Tuy nhiên từ năm học 2023 - 2024, Hà Nội dự kiến không hỗ trợ chênh lệch như năm học trước. Do đó, phụ huynh sẽ phải đóng nhiều tiền hơn từ 2 - 4 lần. Cụ thể, ở khu vực thành thị, mức học phí với học sinh mầm non, THCS tăng gần 2 lần, từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng. Ở xã miền núi, học sinh THPT đóng 100.000 đồng/tháng, tăng hơn 4 lần so với mức cũ - 19.000 đồng/tháng, còn bậc mầm non, THCS có mức đóng tăng hơn 2 lần, từ 24.000 đồng lên 50.000 đồng.

Hà Nội sẽ lấy ý kiến dự thảo nghị quyết về học phí năm học 2023 - 2024 từ ngày 15/5, dự kiến trình Hội đồng nhân dân thành phố vào tháng 7 tới.

Trước đó, tại cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa cho năm học mới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Theo đó, yêu cầu đánh giá căn cơ, tổng thể, toàn diện để đề xuất chính sách, lộ trình thu học phí đối giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Đồng thời, cần nghiên cứu cấp bù cho phần học phí tăng thêm của mầm non, phổ thông công lập với các nhóm đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập cho đội ngũ giáo viên tại các khu vực vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

PV

Chính phủ đồng ý phương án tăng học phí đại học

Nguyễn Mỹ Linh