/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Hà Nội dự kiến thu phí ôtô vào nội đô tối đa 60.000 đồng mỗi lượt

Hà Nội dự kiến thu phí ôtô vào nội đô tối đa 60.000 đồng mỗi lượt

29/10/2021 15:58 |

(LSVN) - Mức phí sẽ dao động theo khung giờ, từ 05h đến 21h. Giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí cho tất cả phương tiện; ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ không thu. Giờ cao điểm được quy định là 06h-09h và 16h-19h30. Đối với ôtô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí), đơn vị lập đề án đề xuất mức thu 25.000đ đến 60.000 đồng/lượt.

Hà Nội dự kiến thu phí ôtô vào nội đô tối đa 60.000 đồng mỗi lượt.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội (Sở Giao thông vận tải) vừa báo cáo thành phố đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường tại 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô.

Mức phí sẽ dao động theo khung giờ, từ 05h đến 21h. Giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí cho tất cả phương tiện; ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ không thu. Giờ cao điểm được quy định là 06h-09h và 16h-19h30.

Phương tiện được miễn phí, gồm: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành (công an, quân đội, cứu thương, cứu hỏa...), xe công vụ, xe buýt. Phương tiện được giảm phí gồm: Xe kinh doanh vận tải, xe dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực, xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực.

Theo kết quả khảo sát, mức sẵn sàng chi trả của lái xe và người dân đi lại bằng ôtô con là 22.500 đồng mỗi lượt. Các kết quả về giảm lưu lượng giao thông và tổng tiền phí thu được dự báo lần lượt theo các mức phí từ thấp đến cao trong khoảng 25.000-60.000 đồng/lượt.

Đối với ôtô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí), đơn vị lập đề án đề xuất mức thu 25.000đ đến 60.000 đồng/lượt. Ôtô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại là 15.000-40.000 đồng/lượt.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội, mức phí được xây dựng trên tính khả thi; tác động tích cực thay đổi hành vi người tham gia giao thông; áp dụng mức thu tăng dần với phương tiện có nguy cơ gây ô nhiễm và ùn tắc. Lợi nhuận không phải mục tiêu ưu tiên, có thể phi lợi nhuận, thu để bù đắp chi phí đầu tư và vận hành.

Đơn vị xây dựng đề án thu phí cho hay mức phí chấp nhận được của người dân là 23.500 đồng. Ở mức này, 55% chấp nhận trả phí để đi lại bằng ôtô, số còn lại sẽ chuyển sang phương tiện được miễn hoặc giảm phí.

Khái toán tổng chi phí đầu tư 87 trạm hơn 2.600 tỉ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu, thay thế thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành.

Đơn vị quản lý dự kiến lựa chọn công nghệ thu phí không dừng, kết hợp nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm).

Về lộ trình, việc thu phí dự kiến theo 3 giai đoạn, gồm 2021-2025: Nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí; 2025-2030: Xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; từ năm 2030: Xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục nội đô có lưu lượng giao thông cao; giai đoạn 2025-2030 xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí phía Nam sông Hồng; sau năm 2030 sẽ khép kín vành đai thu phí theo phương án hoàn chỉnh của dự án, xây 13 trạm thu phí còn lại.

Đề án sẽ được xin ý kiến cấp thẩm quyền, đơn vị, tổ chức liên quan và trình HĐND TP. Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021.

DUY ANH

Thống nhất mã QR trên các ứng dụng phòng chống Covid-19 từ ngày 01/11

Lê Minh Hoàng