Ảnh minh họa.
Cụ thể, ở bậc mầm non, ngoài Hà Nội chưa cho trẻ mầm non quay trở lại trường thì 62 địa phương khác đã dạy học trực tiếp ở hầu hết các cơ sở giáo dục. 4 tỉnh cho dừng một huyện hoặc thành phố do dịch bệnh tăng nhanh gồm: Cao Bằng (TP. Cao Bằng), Lào Cai (cấp 3, 4 dừng cho trẻ đến trường), Lâm Đồng (TP. Đà Lạt, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lạc Dương), Đắk Lắk (TP. Buôn Mê Thuột).
Ở bậc tiểu học, đến thời điểm này đã có 61/63 tỉnh/thành phố tổ chức học trực tiếp. Chỉ còn 2 địa phương là Hà Nội và Vĩnh Phúc hiện học sinh tiểu học vẫn ở nhà (riêng huyện Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc học sinh đi học từ 4/4). 3 tỉnh cho dừng một huyện hoặc thành phố gồm: tỉnh Cao Bằng (TP. Cao Bằng), Đắk Lắk (TP. Buôn Mê Thuột), Lâm Đồng (TP. Đà Lạt).
Ở bậc THCS, đến nay 63/63 tỉnh/thành phố đã tổ chức học trực tiếp. Riêng Hà Nội, khối 6, học sinh vẫn chưa đi học trực tiếp hoặc chuyển sang học trực tuyến. 5 tỉnh/thành phố chuyển trạng thái tổ chức dạy trực tuyến một huyện hoặc thành phố gồm: Cao Bằng (TP. Cao Bằng), Đắk Lắk (TP. Buôn Mê Thuột), Hà Nam (khối lớp 6), TP. Hà Nội (khối lớp 6), Lâm Đồng (TP. Đà Lạt, khối lớp 6).
Bậc THPT, tất cả các địa phương đều đã dạy học trực tiếp ở hầu hết các cơ sở giáo dục, nhất là học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022 sắp tới.
Ngoài ra, liên quan đến việc cho học sinh trở lại trường, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề giáo dục, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp.
Theo đó, căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời.
PV