Ảnh minh họa.
Theo Sở GD&ĐT TP. Hà Nội, năm học 2024-2025 là năm thứ ba cấp THPT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có điểm mới đáng chú ý so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là ngoài một số môn học bắt buộc, học sinh được học môn lựa chọn.
Nhằm bảo đảm đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT TP. Hà Nội lưu ý các nhà trường tăng cường xếp các lớp học riêng theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn; linh hoạt bố trí sĩ số học sinh theo từng lớp học để đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh. Đồng thời, các nhà trường cần tổ chức tốt việc tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn các môn học, chuyên đề học tập bảo đảm công khai, minh bạch.
Sở GD&ĐT TP. Hà Nội lưu ý các nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP. Hà Nội, năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh THPT lựa chọn môn vật lý là 75,4%; môn hóa học là 55,7%; môn sinh học 44,8%; môn tin học 66%; môn địa lý 62,3%; môn giáo dục kinh tế và pháp luật 57,9%.
Như vậy, so với năm học 2022-2023, số lượng học sinh THPT chọn môn lựa chọn tương đối ổn định, nhất là ở các môn như vật lý, hóa học, sinh học, tin học và địa lý. Tuy nhiên, với các môn âm nhạc, mỹ thuật, tỷ lệ học sinh chọn môn này có chiều hướng thấp hơn. Một số trường mặc dù đã có giáo viên âm nhạc, mỹ thuật nhưng cũng chưa thể tổ chức dạy học được do số lượng học sinh đăng ký chọn học quá ít.
MINH NGUYÊN
Nghiên cứu gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỉ đồng cho nhà xã hội