Hà Nội thông qua mức thu học phí năm học 2023-2024

29/03/2024 15:26 | 4 tuần trước

(LSVN) - Mức thu học phí tại các trường công lập ở Hà Nội trong năm học 2023-2024 bằng với năm học 2021-2022. Đồng thời, thành phố thông qua mức thu các khoản dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục.

Ảnh minh họa.

Ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15, các Đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã thông qua các Nghị quyết về mức học phí, các khoản thu, danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo thành phố.

Theo đó, các Đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP. Hà Nội từ năm học 2023-2024.

Đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên công lập, cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) trên địa bàn TP. Hà Nội và trẻ em mầm non, học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục này.

Mức thu học phí đối với hình thức học trực tiếp gồm: Cấp học nhà trẻ, mẫu giáo, THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT sẽ thu 217.000 đồng/học sinh/tháng với địa bàn thành thị, 95.000 đồng/học sinh/tháng với địa bàn nông thôn (trừ miền núi), 24.000 đồng/học sinh/tháng với địa bàn miền núi.

Với cấp học trẻ mầm non 05 tuổi, tiểu học, THCS, giáo dục thường xuyên, ở cấp THCS thu 155.000 đồng/học sinh/tháng đối với địa bàn thành thị, 75.000 đồng/học sinh/tháng đối với địa bàn nông thôn, 19.000 đồng/học sinh/tháng đối với địa bàn miền núi.

Nghị quyết cũng quy định mức thu học phí đối với hình thức trực tuyến (online) bằng 75% mức thu học phí theo hình thức trực tiếp nêu trên.

Như vậy, các mức thu học phí nêu trên bằng với mức thu học phí của năm học 2021-2022.

Cũng tại kỳ họp, HĐND thành phố thống nhất thông qua Nghị quyết Quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) của TP. Hà Nội.

Đối tượng áp dụng gồm: Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao); học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông của thành phố; các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao); cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của thành phố.

Theo Nghị quyết, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) của thành phố được tự chủ quyết định các khoản chi để cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, phải tổ chức công tác kế toán theo đúng quy định của pháp luật về kế toán; mở sổ sách kế toán sử dụng quản lý chứng từ tổ chức hạch toán, theo dõi riêng bảo đảm ghi nhận đầy đủ, chính xác doanh thu và phân bổ đầy đủ, chính xác chi phí đối với từng hoạt động. Phải đăng ký, kê khai, nộp đủ thuế theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo tài chính đúng, kịp thời với các cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan có liên quan theo quy định.

Trường hợp dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục có chênh lệch thu nhỏ hơn chi, đơn vị phải tính toán bù đắp khoản thiếu hụt bằng các nguồn kinh phí hợp pháp của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bù.

Nghị quyết cũng nêu rõ, căn cứ mức trần (mức cao nhất) tại Nghị quyết này, các cơ sở giáo dục xây dựng dự toán chi phí để xác định mức thu cụ thể, phải được thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý) trước khi ban hành, bảo đảm không vượt mức trần quy định.

Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thu các khoản dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục để quản lý, sử dụng theo quy định; trả chứng từ thu tiền cho người học theo chế độ quy định; có chế độ miễn, giảm phù hợp đối với học sinh thuộc diện chính sách hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

HĐND thành phố cũng thông qua Nghị quyết ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục - đào tạo của TP. Hà Nội với 04 nhóm gồm: Dịch vụ giáo dục mầm non và phổ thông; dịch vụ giáo dục đại học; dịch vụ giáo dục thường xuyên; dịch vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của ngành giáo dục - đào tạo.

TRẦN MINH (t/h)

Nghiên cứu cung cấp gói tín dụng lãi suất thấp cho cho người mua nhà ở xã hội