Ảnh minh họa.
Ngay ngày đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, ngay từ tháng 11/2020, UBND Thành phố đã giao các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch và chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021. Vì vậy, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, Thành phố đã có chương trình hành động, xác định rõ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2021, trong đó đề cập mục tiêu tổng quát, chủ đề năm 2021; xác định 25 chỉ tiêu chủ yếu và 6 vấn đề trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Theo ông Hà Minh Hải, 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2021 được Hà Nội xác định bao gồm: Kiểm soát dịch bệnh COVID-19; Phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế; Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển Thủ đô; Tập trung xử lý các vấn đề quy hoạch; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; Giải quyết căn bản các vấn đề dân sinh bức xúc.
Trong đó, để phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế, Thành phố tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát trển kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng khoa học, đổi mới và sáng tạo.
Để tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua kiên trì các giải pháp nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp: “Cạnh tranh bình đẳng”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự", “Chi phí không chính thức", “Tiếp cận đất đai. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Phấn đấu có thêm khoảng 27.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 38.700 tỉ đồng (tăng 3% về số doanh nghiệp và số vốn so với năm 2020).
Thành phố cũng đặt mục tiêu hình thành, phát triển một số mô hình kinh tế mới: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm...
Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh: Hỗ trợ pháp lý, các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi (Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp), các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, công nghiệp hỗ trợ, khuyến công, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, rà soát, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án (tập trung các dự án đã ký MOU và trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại các Hội nghị Hà Nội hợp tác đầu tư và phát triển). Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm.
Trong kế hoạch triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Hà Nội đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các nhiệm vụ cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; cụ thể là nâng cao mức đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong GRDP; phấn đấu tăng trưởng GRDP trên 7,5%.
Qua đó, để tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp, Thành phố thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của Thành ủy, Nghị quyết của Trung ương về “chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", "chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", “một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Rà soát, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu cơ cầu lại ngành công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao (Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Khu công nghệ cao Hòa Lạc...). Giải quyết các vướng mắc liên quan các cụm công nghiệp (Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp, Đông Anh, Sóc Sơn, Phú Nghĩa...). Khởi công xây dựng 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, phấn đấu hoàn thành xây dựng hạ tầng ký thuật ít nhất 20 cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, đánh giá và triển khai hiệu quả: Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025; Đề án nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp giai đoạn 2021-2025... Tăng tỷ trọng các ngành chế biến chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp; phấn đấu có thêm 25-28 sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đảm bảo các chỉ tiêu về cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội.
Khuyến khích, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện dự án điện rác, điện sinh khối, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà. Thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công của quốc gia và Thành phố gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề.
Đối với phát triển hạ tầng giao thông, Thành phố tiếp tục đôn đốc tiến độ lập, thẩm định, khởi công, thi công các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai, trục hướng tâm, tuyển đường kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tinh, thành phố trong vùng Thủ đô. Đưa 02 tuyến đường sắt: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao) vào vận hành hiệu quả. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 201/KH-UBND về việc phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030. Năm 2021, phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng từ 17,5% trở lên và nâng tỷ lệ diện tích đất cho giao thông/tổng diện tích đất đô thị đạt 11%.
Xây dựng Kế hoạch mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục hoàn thiện Đề án giao thông thông minh. Xây dựng Bản đồ giao thông số trực tuyến, Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Xây dựng khung chính sách thẻ vé điện tử liên thông áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn thống nhất cho các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị đầu cuối đảm bảo việc thực hiện kết nối giao thông thông minh, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.
YÊN CHI
Hội nhập kinh tế quốc tế: Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng Việt Nam