/ Đời sống - Xã hội
/ Hà Nội: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế Thủ đô

Hà Nội: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế Thủ đô

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Việc HĐND TP. Hà Nội thông qua "Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa"(DNNVV) trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong việc tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; đã và đang được cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách cụ thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Là đầu tàu kinh tế vùng trọng điểm phía Bắc, thời gian qua, TP. Hà Nội đã xây dựng nhiều giải pháp đột phá, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, cùng với cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp, đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng; giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng... việc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường... là những nhóm giải pháp thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó, số doanh nghiệp  thành lập mới trên địa bàn Thành phố liên tục tăng trong những năm gần đây.

Tính từ năm 2016 - 2020, TP. Hà Nội có hơn 112.000 doanh nghiệp thành lập mới; số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình mỗi năm tăng 9,7%, nâng tổng số doanh nghiệp  trên địa bàn đăng ký hoạt động lên hơn 292.000 doanh nghiệp. Kỷ lục trong năm 2019, TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho hơn 27.000 doanh nghiệp. Như vậy, bình quân 35 người dân có 1 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung cả nước.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, TP. Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa triển khai các giải pháp ổn định thị trường cung - cầu hàng hóa, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhờ đó, Thành phố tiếp tục giữ đà tăng trưởng dương của kinh tế trong suốt 4 quý của năm 2020 so cùng kỳ năm trước và mức tăng trưởng GRDP cả năm cao gấp 1,5 lần của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vẫn vượt dự toán, huy động vốn đầu tư xã hội tiếp tục duy trì tốc độ tăng…

Tuy nhiên, kinh tế Thủ đô vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn. Việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm cả ở cấp Thành phố và quận, huyện. Hoạt động xuất khẩu vẫn còn gặp khó, tỷ lệ hàng tồn kho cao. Lĩnh vực du lịch lữ hành, vận tải... chưa thể hồi phục nhanh.

Nhiều chính sách hỗ trợ cho DNNVV

Trước tình hình trên, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm 2020 và kế hoạch triển khai năm 2021, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, triển khai quyết liệt các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương tham mưu triển khai thực hiện.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn từ nguồn vốn cả trong và ngoài nước có khả năng cấp phép trong năm 2020. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để tham mưu UBND Thành phố có biện pháp cụ thể, nhằm sớm khắc phục những khó khăn, đồng thời, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị và thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính trên địa bàn Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường, góp phần cải thiện chỉ số PCI của Thành phố.

Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện việc giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế đối với doanh nghiệp do ảnh hưởng Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện hiệu quả đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2025.

Có thể thấy, với tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân 10%/năm giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Hà Nội sẽ có khoảng 30.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Như vậy, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm 150.000 doanh nghiệp thành lập mới. Các doanh nghiệp này phấn đấu tạo thêm 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đóng góp trên 40% tổng sản phẩm trên địa bàn và trên 30% ngân sách Thành phố.

Để đạt được mục tiêu này, Thành phố sẽ hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho DNNVV;…

YÊN CHI

/ha-noi-hoc-sinh-khong-phai-den-truong-qua-som-trong-nhung-ngay-ret-dam.html