Hà Nội tiếp tục điều chỉnh dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

22/01/2024 18:24 | 3 tháng trước

(LSVN) - UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trong đó, UBND TP. Hà Nội kiến nghị 03 nội dung quan trọng của dự án.

Ảnh minh họa.

Được biết, đây là tờ trình thứ hai liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên được UBND TP. Hà Nội trình Chính phủ trong 06 tháng gần đây. Theo đó, 03 nội dung quan trọng của dự án được UBND TP. Hà Nội kiến nghị gồm:

Thứ nhất, UBND TP. Hà Nội đề xuất tổng chiều dài tuyến giữ nguyên so với phê duyệt trước đó, nhưng tăng chiều dài đoạn trên cao từ 8,5km lên 8,9km và đoạn đi ngầm giảm từ 03km xuống 2,6km.

Thứ hai, tổng mức đầu tư mới của dự án là 35.588 tỉ đồng, tăng hơn 16.000 tỉ đồng so với phê duyệt ban đầu năm 2008.  Hai hạng mục làm tăng vốn nhiều nhất là chi phí xây dựng tăng gần 6.700 tỉ đồng và chi phí thiết bị tăng hơn 2.700 tỉ đồng so với phê duyệt. 

Thứ ba, UBND TP. Hà Nội đề xuất hoàn thành dự án đưa vào khai thác, vận hành năm 2029 và đào tạo vận hành bảo dưỡng trong hai năm tiếp theo. 

Tờ trình cũng đề cập đến phương án xây dựng ga ngầm C9 bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội.

Trong đó, phương án xây dựng ga C9 bảo đảm không vi phạm vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, không ảnh hưởng đến an toàn các công trình văn hóa, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc...

Theo UBND TP. Hà Nội, phương án trên đã được nghiên cứu cẩn trọng, xin ý kiến thống nhất các bộ, ngành liên quan và báo cáo Thủ tướng.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km được UBND TP. Hà Nội phê duyệt năm 2008. Tổng mức đầu tư ban đầu 19.555 tỉ đồng và là dự án nhóm A.

Điểm đầu Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài; điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.

Sau 15 năm, dự án chưa thể khởi công. Trong đó, hạng mục vướng nhiều tranh cãi là vị trí xây dựng ga ngầm C9 ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. 

Theo phương án ban đầu được Hà Nội lựa chọn, vị trí ga ngầm C9 dự kiến đặt trong khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, dài 150m, rộng hơn 21m, sâu trên 17m và có 03 tầng.

TRẦN MINH (t/h)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sửa quy định về bảo hiểm nông nghiệp