(LSVN) -Những tuyến đường vành đai của Thủ đô Hà Nội khi được đầu tư khép kín sẽ giải góp phần quyết vấn đề ùn tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh, thành và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa báo cáo đề xuất Thành ủy Hà Nội về nhóm 7 công trình đường vành đai nằm trong danh mục các nhóm công trình giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục với chiều dài 2,27km, tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố đang triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.
Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng kết hợp mở rộng phần đi bằng từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đang thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) ký kết giữa TP. Hà Nội và Tập đoàn Vingroup.
Vành đai 2,5 bao gồm 3 đoạn để khép kín bao gồm: đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng – đường Dương Đình Nghệ (dài 720m), đoạn Trung Kính – Trần Duy Hưng (dài 580m) và đoạn Ngụy Như Kon Tum – Đầm Hồng (dài 1.890m), tổng mức đầu tư khoảng 7.353 tỉ đồng.
Vành đai 3 bao gồm 2 đoạn: Đoạn từ cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đến trục Nhật Tân – Nội Bài (dài 9,8km) và đoạn từ trục Nhật Tân – Nội Bài đến Quang Minh (dài 5km), tổng mức đầu tư khoảng 2.450 tỉ đồng.
Vành đai 3,5 bao gồm 2 đoạn: Đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 (dài 3,8km) và đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (dài 10,8km), tổng mức đầu tư khoảng 5.670 tỉ đồng.
Cùng với đó, trên địa bàn thành phố còn có các tuyến Vành đai 4 và Vành đai 5 do Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện.
Được biết, để giải quyết giảm ùn tắc giao thông, cụ thể hóa quy hoạch vùng, liên kết các tuyến cao tốc, Quốc lộ hướng tâm, kết nối các đô thị vệ tinh, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1278/QĐ- TTg ngày 29/7/2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 và vành đai 5 Thủ đô.
Cụ thể, đường vành đai 4 có tổng chiều dài tuyến khoảng 98km (đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm 56,5km trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên dài 20,3km và 21,2km tỉnh Bắc Ninh), quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến độ xây dựng trước năm 2020. Kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỉ đồng bằng nguồn vốn đầu tư được xác định từ vốn ngân sách Nhà nước, ODA…
Đối với đoạn đi qua Hà Nội có hướng tuyến từ đầu đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, tuyến đi theo hướng Tây-Nam giao Quốc lộ 2 tại xã Thanh Xuân và tiếp tục đi qua khu đô thị mới Mê Linh, tuyến vượt sông Hồng tại vị trí cầu Hồng Hà (phía Bắc cầu tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía Nam cầu tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng); tuyến giao Quốc lộ 32 tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức và cắt Đại lộ Thăng Long tại km12+600 và giao cắt với Quốc lộ 6 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, đi theo hướng Đông-Nam, giao Quốc lộ 1A và đường Pháp Vân-Cầu Giẽ tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín, vượt sông Hồng bằng cầu Mễ Sở tại vị trí cách phà Mễ Sở khoảng 1km về phía thượng lưu.
Để đảm bảo tính đồng bộ, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện dự án tuyến đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021.
Với tuyến đường vành đai 5 có chiều dài khoảng 331,5km đi qua 8 tỉnh, thành phố trong đó Hà Nội dài khoảng 48km; Hòa Bình dài 35,4km; Hà Nam dài 35,3km; Thái Bình dài 28,5km; Hải Dương dài 52,7km; Bắc Giang dài 51,3km; Thái Nguyên dài 28,9km; Vĩnh Phúc dài 51,5km. Tuyến đường sẽ có quy mô 4-6 làn xe.
Đối với đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội, hướng tuyến sẽ từ vị trí cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nhập vào đi trùng đường Hồ Chí Minh dài 21,5km; giao với cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất; tuyến đi về phía Nam sang địa phận tỉnh Hòa Bình, đến khu vực chợ Bến rẽ hướng Đông vượt sông Đáy sang địa phận tỉnh Hà Nam.
TRẦN MINH