/ Tin tức
/ Hà Tĩnh: Bắt ‘đất tặc’ trong đêm tại vùng núi Can Lộc

Hà Tĩnh: Bắt ‘đất tặc’ trong đêm tại vùng núi Can Lộc

05/09/2023 05:43 |

(LSVN) - Sáng 04/9, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Tĩnh xác nhận đơn vị vừa bắt giữ một vụ khai thác trái phép tài nguyên đất trên địa bàn huyện Can Lộc vào đêm khuya.


Một vùng núi tiếp giáp đường ranh giới Động Nốc, thuộc ranh giới 2 xã Gia Hanh và Thượng Lộc (huyện Can Lộc) có dấu hiệu bị “đất tắc” khoét sâu. Ảnh: Lương Lương.

Trước đó, đêm 29/8, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ một nhóm đối tượng đang sử dụng máy móc, thiết bị khai thác đất trái phép tại vùng núi Xanh, khu vực tiếp giáp đường Động Nốc liên xã, thuộc ranh giới 2 xã Gia Hanh và Thượng Lộc (huyện Can Lộc).

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Gia Hanh cho biết, khu vực “đất tặc” khai thác trái phép thuộc địa bàn xã Thượng Lộc, đối tượng khai thác tên Chuyền (trú tại xã Gia Hanh).
“Khu vực khai thác đó là đường ranh giới của 2 xã Gia Hanh và Thượng Lộc, thời điểm Công an kinh tế tỉnh bắt giữ, phía công an xã chúng tôi có đến cùng phối hợp” ông Cường cho hay.

Một người dân tại xã Gia Hanh cho biết, hiện tượng khai thác đất trái phép tại địa bàn xảy ra từ lâu, xe tải, máy móc chủ yếu khai thác và vận chuyển trong đêm khuya.

Đại uý Nguyễn Minh Tú, Trưởng Công an xã Thượng Lộc cho biết, vụ việc bắt giữ do Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì, qua xác định có hai địa điểm, trong đó có 1 điểm tại xã Thượng Lộc, khối lượng khai thác không nhiều, có một ít xe.

Hiện lực lượng chức năng đang xác minh, làm rõ các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp nào bị coi là khai thác khoáng sản trái phép?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khoáng sản gồm các khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở các thể: Rắn, lỏng, khí ở trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ (theo khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010).

Trong đó, khai thác khoáng sản được hiểu là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.

Tại Điều 4, Luật Khoáng sản 2010 cũng nêu rõ, cá nhân, tổ chức chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Điều này có nghĩa, các cá nhân, tổ chức chỉ được khai thác khoáng sản khi được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hợp pháp.

Từ những căn cứ trên có thể hiểu, khai thác khoáng sản trái phép là hoạt động thu hồi khoáng sản của cơ quan, tổ chức không có quyền hoặc có quyền mà thực hiện không đúng phạm vi, quyền hạn của mình, không được sự chấp thuận, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Khai thác khoáng sản trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, do đó cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Khi nào khai thác khoáng sản trái phép bị xử lý hình sự?

Tội "Khai thác khoáng sản trái phép" hiện nay được quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Trong đó, điều luật nêu rõ, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, ngoài hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý hình sự về tội "Khai thác khoáng sản trái phép":

- Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đồng trở lên;

- Khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà lại vi phạm.

Số liệu thống kê của Công an Hà Tĩnh cho thấy, trên toàn địa bàn Hà Tĩnh hiện có 21 mỏ đất, 8 mỏ cát và 38 mỏ đá đang hoạt động. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 21 vụ với 35 đối tượng (trong đó có 4 tổ chức và 31 cá nhân), vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản.

Qua đó, lập biên bản xử lý vi phạm và xử phạt hơn 317 triệu đồng, tịch thu 250m3 cát, 71,5m3 đất và 40m3 đá.

LƯƠNG LƯƠNG

Bùi Thị Thanh Loan