Khu kinh tế Vũng Áng một động lực phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh.
Tính chung 9 tháng đầu năm tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tăng, các doanh nghiệp hoạt động ổn định, sản xuất hiệu quả hơn cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn 9 tháng năm 2021 tăng 16,56% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,55%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,89%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,93%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,62%. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng khá, chủ yếu nhờ đóng góp của ngành sản xuất kim loại.
Trong 25 nhóm ngành công nghiệp cấp 2 có 16 nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 7 nhóm có mức tăng trưởng cao như: sản xuất phẩm từ cao su và plastic tăng 47,79%, khai thác quặng kim loại tăng 35,13%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tre nứa tăng 27,39%, sản xuất kim loại tăng 25,83%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 24,9%, sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 23,91%, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,45%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính 9 tháng đầu năm giảm 8,71% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng khoảng 34,78% so với 9 tháng đầu năm 2020.
Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 9 tháng đầu năm 2021 thời tiết tương đối thuận lợi. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 158.893 ha, bằng 102,04% ( tăng 3.179ha) so với năm trước. Tổng sản lượng có hạt ước đạt 632.253 tấn, so với thực hiện năm trước bằng 108,94% ( tăng 51.859 tấn) .
Bưởi Phúc Trạch đã lên sàn thương mại điện tử, trở thành thương hiệu có uy tín được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát vừa rồi Phúc Trạch tiêu thụ hết 20.000 tấn bưởi, nhân dân rất phấn khởi.
Chăn nuôi gia súc chịu ảnh rất lớn do dịch bệnh gây ra, nên tổng đàn cũng như sản lượng thịt hơi xuất chuồng có biến động, xu hướng đàn trâu, đàn bò giảm, đàn lợn tăng nhẹ, đàn gia cầm tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất thủy sản từ đầu năm đến nay ổn định, tăng nhẹ, với mức tăng thủy sản 798 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Trọng đó sản lượng khai thác chiếm 69,73% tổng sản lượng thủy, hải sản, tăng 609 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều địa phương xảy ra dịch Covid-19. Các địa phương với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Lãnh đạo từ tỉnh xuống đến phường xã có nhiều giải pháp, thực hiện bằng được “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh. Các địa phương đều có phương án phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường. Do đó hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn đảm bảo cung cầu thiết yếu cho người dân và toàn xã hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 31.209 tỉ đồng, tăng 7,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm thực phẩm ước đạt 13.507,7 tỉ đồng, tăng 0,48%, hàng may mặc ước đạt 1.500 tỉ đồng, tăng 21,32%, đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 3.291 tỉ đồng, tăng 1,15%, vật phẩm văn hóa giáo dục ước đạt 183, 6 tỉ đồng, tăng 15,44%, gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.588 tỉ đồng, tăng 28,05%, ô tô con ước đạt 3.352 tỉ đồng, tăng 12,5%, phương tiện đi lại trừ ô tô con ước đạt 1.554,5 tỉ đồng, giảm 1,34%, xăng dầu các loại ước đạt 2.789.055 triệu đồng, tăng 21,38%, nhiên liệu khác ước đạt 552,6 tỉ đồng, tăng 37,95%, hàng hóa khác ước đạt 1.538 tỉ đồng, tăng 10,16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu hoạt động lưu trú, du lịch lữ hành, ăn uống ước đạt 2.761,8 tỉ đồng, giảm 10,7 % so với 9 tháng đầu năm 2020. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.073 tỉ đồng, giảm 3,11% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động vận tải, kho bãi đạt 3.347, 8 tỉ đồng, giảm 10,13% so với cùng kỳ năm trước.
Huyện Cẩm Xuyên xây dựng có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế nông thôn.
Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm toàn tỉnh Hà Tĩnh ước đạt 2.564,4 triệu USD, tăng 75,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 1.490,6 triệu USD, tăng 106,63% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng chủ yếu do Formosa đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu mặt hàng thép.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xuất, nhập khẩu, nguyên liệu, thiết bị phục vụ sản xuất, hàng hóa, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, Hà Tĩnh xây dựng Đề án đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025. Đồng thời ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng.
Thời gian kết thúc năm 2021 không còn bao nhiêu nữa, Hà Tĩnh quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế đề ra từ đầu năm, trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Lãnh đạo tỉnh cùng với các doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Các địa phương rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu chỗ nào chưa đạt thì tích cực thực hiện cho bằng được. Tỉnh tạo điều kiện ý tưởng hay, việc làm sáng tạo phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh toàn tỉnh đang cao độ phòng chống dịch. Hà Tĩnh trên dưới đồng lòng thực hiện bằng được “mục tiêu kép” trong điều kiện bình thường mới.
HẢI HƯNG