UBND huyện Thạch Hà (chủ đầu tư) cho biết, đây là gói thầu xây lắp có giá trị lớn trong Tiểu dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Thạch Hà, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) thuộc Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ”.
Chỉ một nhà thầu tham dự
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà vừa công bố hoàn thành mở hồ sơ kỹ thuật và đang trong quá trình xét thầu đối với “Gói thầu số XL.05: Xây dựng Tuyến đường phân lũ phía Tây” có trị giá 123.223.169.000 đồng (giá dự toán 122.238.019.000 đồng), được tổ chức mời thầu rộng rãi qua mạng, phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 23/9 đến ngày 11/10/2023, thời gian thực hiện hợp đồng là 450 ngày.
Dự án trên chỉ có duy nhất một nhà thầu tham dự là “Liên danh đường phân lũ phía Tây” do Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại dịch vụ 555 (gọi tắt là Công ty 555) đứng đầu.
Cũng theo chủ đầu tư, tiểu dự án có tổng mức đầu tư 851.897.157.000 đồng, sử dụng nguồn vốn vay của cơ quan Phát triển Pháp (AFD), vốn viện trợ không hoàn lại của Liên minh Châu Âu và nguồn vốn đối ứng. Việc đầu tư xây dựng nhằm thực hiện hoá mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng và vệ sinh môi trường, tăng tính kết nối giữa các đơn vị hành chính đô thị, kết nối vùng, chống ngập lụt, biến đổi khí hậu và năng lực quản lý đô thị.
Kết quả mở thầu vào sáng 11/10 cho thấy, dù đây là gói thầu có giá trị lớn, nguồn vốn “lý tưởng”, được mời thầu rộng rãi qua mạng, nhưng kết quả chỉ có duy nhất một nhà thầu tham dự là “Liên danh đường phân lũ phía Tây” do Công ty cổ phần xây dựng và thương mại dịch vụ 555 (gọi tắt là Công ty 555) đứng đầu.
Dự án Trung Tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ giữa năm 2021 do Công ty Cổ phần Xây dựng và thương mại dịch vụ 555 thi công.
Dữ liệu tham khảo qua mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, Công ty 555 (MST 3001937697) tham dự 46 gói thầu ở các địa phương như Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, TP. HCM, Hà Tĩnh,... trượt 6 gói, huỷ 1 gói, 3 gói chưa có kết quả, trúng 36 gói với tổng giá trị hơn 1.994 tỉ đồng, trong đó, trúng thầu với vai trò độc lập hơn 378 tỉ đồng và hơn 1.615 tỉ đồng là giá trị trúng thầu với vai trò liên danh.
Công ty 555 thành lập ngày 08/10/2015, đăng ký địa chỉ trụ sở tại số nhà 147, khối phố Hòa Linh, phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh. Lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng công trình đường thuỷ. Ông Dương Đình Cường (SN 1981) giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật.
Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 10 tỉ đồng, do 3 cổ đông sáng lập, trong đó, ông Dương Đình Cường là cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối tuyệt đối với tỉ lệ 80% (tương ứng vốn góp 8 tỷ đồng), ông Dương Đình Vượng (SN 1989) góp 1,2 tỷ đồng (12% CP) và bà Trần Thị Kim Dung (SN 1990) nắm giữ 8% CP còn lại.
Lộ diện “tỷ phú” Dương Đình Cường
Ngoài là “ông chủ” của Công ty 555 chuyên về lĩnh vực xây dựng nêu trên, ông Dương Đình Cường còn là cổ đông góp vốn sáng lập hoặc là người đại diện của loạt doanh nghiệp khác có lĩnh vực chăn nuôi lợn, sản xuất điện tại tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh và tỉnh Bạc Liêu.
Đơn cử, Công ty CP Thành Sen HT – QT được thành lập ngày 19/11/2021, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại 04, Bùi Dục Tài, Phường 1, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất điện (điện mặt trời, điện gió). Vốn điều lệ là 35 tỷ đồng, trong đó, ông Dương Đình Quang 30% cổ phần, bà Lê Thị Xoan 10% cổ phần. Riêng ông Dương Đình Cường 60% cổ phần, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.
Phóng viên có mặt tại 04 Bùi Dục Tài, phường 1, TP. Đông Hà (Quảng Trị), nơi hàng loạt doanh nghiệp của ông Dương Đình Cường “đóng đô”.
Bên cạnh đó, ông Dương Đình Cường cũng là cổ đông sáng lập của Công ty CP Việt Thái HT và Công ty CP Việt Tiến HT (cùng địa chỉ với Thành Sen HT - QT) góp vốn với tỷ lệ mỗi công ty là 20% (tương ứng 7 tỉ đồng/cty). Những doanh nghiệp này có ngành nghề chính là sản xuất điện (điện mặt trời, điện gió).
Tiếp đến, ông Cường cũng là người nắm quyền chi phối (góp 60 tỷ đồng - 60% cổ phần) tại Công ty CP Năng lượng tái tạo BL6 (trụ sở ở Hà Tĩnh) và tại Công ty CP Năng lượng tái tạo BL5, ông Cường cũng là cổ đông nắm giữ 20% cổ phần tương ứng vốn góp 20 tỉ đồng (cả 2 doanh nghiệp này đều có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, thành lập cùng ngày 01/7/2020).
Tại Bạc Liêu, ông Cường cũng là cổ đông sáng lập Công ty CP Năng lượng Tái tạo HT6, thành lập ngày 31/7/2020, địa chỉ số 25, Lộ Bờ Tây, Khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu. Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó, ông Cường góp 60 tỉ đồng tương ứng 60% cổ phần; 40% cổ phần còn lại chia đều cho ông Đỗ Văn Thành và ông Nguyễn Cao Đỉnh.
Trước đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có bài viết liên quan đến hàng loạt nhà đầu tư “non trẻ” tuổi đời hơn 1 năm, được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu chăn nuôi công nghệ cao (nuôi lợn thịt hoặc lợn giống) tại 2 huyện Đakrông và huyện Cam Lộ với hàng triệu m2 đất được “trao tay”.
Việc UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận loạt dự án này cho 8 doanh nghiệp có “tuổi đời” hơn một năm hoạt động, đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn nhưng lại đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất điện, đặt ra nhiều dấu hỏi, liệu những doanh nghiệp tuổi đời còn “non trẻ” này có đủ năng lực, tài chính và kinh nghiệm để triển khai dự án đúng như cam kết?
Trong 8 doanh nghiệp được chấp thuận các dự án chăn nuôi, có 3 công ty nói trên (cùng trụ sở TP. Đông Hà), đều có sự góp mặt của ông Dương Đình Cường. Trong khi đó, Công ty 555 chuyên về lĩnh vực xây lắp đang thực hiện các dự án đã trúng thầu trước đó như thế nào, “Bức tranh” tài chính của doanh nghiệp này ra sao, Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ sẽ đề cập ở kỳ sau.
TIẾN ĐẠT
Quảng Trị: Hàng loạt dự án chăn nuôi công nghệ cao ‘trao tay’ nhà đầu tư ‘non trẻ’
Bóng dáng ‘đại gia’ Hà Tĩnh đầu tư dự án chăn nuôi công nghệ cao ở Quảng Trị
Công ty Thành Sen nợ thuế triền miên, ‘đại gia’ Dương Đình Dũng bị tạm hoãn xuất cảnh